Ưu tiên chăm sóc sức khỏe tâm thần
Theo Bộ LĐ-TB-XH, đại dịch Covid-19 tác động nhiều chiều đến trẻ em như: đe dọa sự an toàn, tâm lý và sức khỏe thể chất và tâm thần, dinh dưỡng của trẻ em; tác động đến chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em; hạn chế vui chơi, giải trí và tiếp xúc xã hội, giao tiếp bạn bè, thường xuyên tiếp xúc với các trang mạng, trong đó có các trang độc hại làm ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ.
|
Sau thời gian đại dịch, phụ huynh, thầy cô, nhà trường cần là những người bạn đồng hành cùng con, chia sẻ, giúp các con giảm căng thẳng
|
Bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho biết đã phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, các tổ chức chủ động chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em, đặc biệt là triển khai dịch vụ hỗ trợ bảo vệ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong đó chú trọng chăm sóc sức khỏe tâm thần, phòng ngừa sang chấn tâm lý trẻ em, nhất là các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt.
|
Các bác sĩ tình nguyện của Hội Thầy thuốc trẻ Hà Nội khám sức khỏe hậu Covid-19 cho trẻ em
|
Cùng với đó, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên công tác xã hội tại cộng đồng được trang bị những kỹ năng cần thiết sẽ tiếp tục hỗ trợ trẻ em về nhiều mặt. Mô hình gia đình văn hóa, gia đình sức khỏe cũng cần được các bên quan tâm nhân rộng để tạo môi trường tốt nhất cho trẻ em phát triển toàn diện.
“Để tiếp tục thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em sau đại dịch Covid-19, chúng ta cần tăng cường truyền thông, giáo dục kỹ năng cho giáo viên, cha mẹ và các thành viên gia đình về kiến thức chăm sóc sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội trẻ em nhằm phát hiện sớm, giảm các sang chấn tâm lý cho trẻ em”, bà Hà nhấn mạnh.
Bảo vệ trẻ em phải được đưa vào trong quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội từ T.Ư tới địa phương, đặc biệt là người lãnh đạo, phải coi nhiệm vụ chăm lo cho trẻ như con cháu trong nhà mình.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, lưu ý sức khỏe tâm thần là vấn đề đặc biệt cần quan tâm hậu đại dịch Covid-19, trong đó có tình trạng tự tử, nguyên nhân gốc rễ là sức khỏe tâm thần, trầm cảm ở trẻ.
Ông Nam khuyến nghị: “Các bậc cha mẹ cần phòng ngừa bằng cách để ý xem biểu hiện khác thường của con cái, như thấy trẻ đi học về thu mình lại hoặc ngủ suốt ngày thì cần chia sẻ với con hoặc gọi cho Tổng đài 111 để được tư vấn. Bảo vệ trẻ em phải được đưa vào trong quy hoạch, phát triển kinh tế - xã hội từ T.Ư tới địa phương, đặc biệt là người lãnh đạo, phải coi nhiệm vụ chăm lo cho trẻ như con cháu trong nhà mình”.
Theo ông Nam, Bộ LĐ-TB-XH đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và các tổ chức quốc tế biên soạn, phát hành tài liệu, sản phẩm truyền thông, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em; đồng thời phối hợp với các tình nguyện viên, chuyên gia tư vấn tâm lý sẵn sàng kết nối, tư vấn cho người chăm sóc trẻ và trẻ em nhằm phát hiện sớm sang chấn tâm lý, dạy các em tự bảo vệ trước mối nguy hại.
Giúp trẻ vượt qua áp lực tâm lý
Theo chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, thời gian qua Ban Bí thư T.Ư Đoàn đã chỉ đạo triển khai nhiều hoạt động chăm lo sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu nhi. T.Ư Đoàn đã chỉ đạo Hội đồng Đội T.Ư triển khai nhiều hoạt động nhằm giúp trẻ vượt qua áp lực tâm lý sau thời gian dài phải học tập trực tuyến vì dịch Covid-19. Hội đồng Đội T.Ư đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần dành cho thiếu nhi. Trong đó, có Ngày hội “Thiếu nhi Việt Nam - Học tập tốt, rèn luyện chăm”, với chuỗi các hoạt động trải nghiệm dành cho các em đội viên, thiếu niên và nhi đồng.
“Tại chương trình, các em được tham gia các hoạt động vui chơi, rèn luyện sức khỏe, sinh hoạt tập thể, thi đua làm việc tốt. Qua đó, góp phần giúp các em ổn định tâm lý sau một thời gian dài phải học tập trực tuyến. Đồng thời, Hội đồng Đội T.Ư đã trao tặng hơn 12.000 phần quà, học bổng, thiết bị học tập trực tuyến dành cho các em thiếu nhi, đặc biệt là các em thiếu nhi mồ côi do dịch Covid-19, các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn tại các địa phương”, chị Trang chia sẻ.
Bên cạnh đó, Hội đồng Đội T.Ư đã tổ chức sân chơi đồng diễn Flashmob dành cho các em thiếu nhi với sự tham gia của 6.800 liên đội tiểu học trong cả nước, giúp các em có môi trường giải trí lành mạnh, rèn luyện kỹ năng, sức khỏe.
Đặc biệt, trước bối cảnh các em thiếu nhi ảnh hưởng về tâm lý sau 2 năm sống chung với đại dịch Covid-19, Hội đồng Đội T.Ư đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức diễn đàn “Điều em muốn nói” với sự tham gia của nhiều nhà quản lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý, nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ cùng lãnh đạo phòng GD-ĐT, ban giám hiệu các trường THCS, THPT trên địa bàn TP.Hà Nội. Đây là diễn đàn để các em thiếu nhi được chia sẻ những tâm tư thầm kín, áp lực gặp phải. Từ đó, các bậc phụ huynh, người lớn lắng nghe được nhiều hơn tiếng nói, nguyện vọng của các em và giúp các em vượt qua được những áp lực tâm lý, ổn định sức khỏe tâm thần.
Chị Trang cũng cho biết T.Ư Đoàn đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Thanh niên VN và các tổ chức thành viên đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc, khám chữa bệnh và hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu nhi. Vừa qua, Hội Thầy thuốc trẻ VN huy động 20.000 bác sĩ tình nguyện khám sức khỏe hậu Covid-19 cho người dân, trong đó tập trung khám trực tiếp cho trẻ em dưới 12 tuổi. Trong chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm nay, T.Ư Đoàn đặt mục tiêu tư vấn tâm lý cho ít nhất 100.000 thanh thiếu nhi.
Sự quan tâm của cả gia đình là vô cùng cần thiết
Thạc sĩ - bác sĩ Lê Công Thiện, Trưởng phòng Trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), chia sẻ: Ở Việt Nam, việc quan tâm, chăm sóc con cái trong gia đình hầu như đều thuộc về các bà mẹ. Tuy nhiên, với một đứa trẻ thì sự quan tâm của cả gia đình là điều vô cùng cần thiết. Bởi lẽ, tư duy, cách quan tâm, cách hỏi han của ông bà, cha mẹ đến với đứa trẻ là khác nhau. Nếu chỉ một mình mẹ hỏi han, quan tâm thì không chắc đã bao quát được hết và đáp ứng đúng điều trẻ cần. Vì vậy, hãy xem việc quan tâm con cái là công việc chung của các thành viên, nên “phân chia” đồng đều; đừng để đến lúc sự đã rồi, tìm giải pháp khắc phục vô cùng khó.
Với hơn 20 năm trong chuyên ngành chăm sóc sức khỏe tâm thần, PGS Nguyễn Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), cho rằng việc tham gia tư vấn, hỗ trợ tâm lý cho thanh thiếu niên, không bắt buộc phải là các bác sĩ, chuyên gia, mà mỗi cha mẹ, giáo viên cũng cần có kiến thức phát hiện để hỗ trợ trẻ về tâm lý, nhận biết các yếu tố nguy cơ, từ đó ngăn chặn hành vi tiêu cực của trẻ. Nhận diện các dấu hiệu bất thường ở trẻ là chìa khóa giúp trẻ vượt qua những vấn đề về tâm lý.
Theo chuyên gia về sức khỏe tâm thần, thông thường những biểu hiện của trẻ có dấu hiệu rối loạn tâm lý bao gồm: giảm các mối quan hệ tương tác với bạn bè, gia đình; giảm tham gia các hoạt động xã hội; giảm sút học tập, không quan tâm đến vẻ ngoài, dễ cáu gắt, giận dữ… 90% trường hợp có biểu hiện rối loạn tâm thần đều có bộc lộ ít nhất một biểu hiện ra ngoài. Các bậc cha mẹ nên dành nhiều thời gian để quan tâm chia sẻ cùng con cái như những người “bạn” của con mình. Để ngăn ngừa hành vi tự sát ở trẻ, cần sự chung tay của nhà trường, giáo viên, bạn bè và cả gia đình.
Theo Thanh Niên