Món quà tinh thần từ văn hóa đọc

Meghan Ely và con trai tám tuổi của cô, Oliver, vẫn cùng nhau đi du lịch hằng đêm ngay cả trong đại dịch. Đôi khi họ đi tàu đến lâu đài Hogwarts, những lần khác họ tham quan đô thị kỳ lạ của Dog Man and Cat Kid. Ely chia sẻ: “Chúng tôi mong chờ những chuyến du ngoạn này. Đọc sách cho chúng ta cơ hội để kết thúc một ngày bằng những bài học tích cực, bất kể cuộc sống diễn ra như thế nào”. Sau hơn một năm học tập online và ứng phó với đại dịch, đọc sách đã trở thành một lối thoát của không ít gia đình.

Đại dịch đã làm hồi sinh văn hóa đọc khi nhiều người có thêm thời gian rảnh để tìm kiếm những quyển sách họ từng mong đợi - ẢNH: GETTY IMAGES
Đại dịch đã làm hồi sinh văn hóa đọc khi nhiều người có thêm thời gian rảnh để tìm kiếm những quyển sách họ từng mong đợi - Ảnh: GETTY IMAGES

Prisco Piscitelli - Chủ tịch UNESCO về Giáo dục Sức khỏe và Phát triển bền vững - cho biết: “Truyện, đặc biệt là truyện giả tưởng, là một loại vắc xin xã hội chống lại tất cả khó khăn trong giãn cách vì chúng giúp trẻ em tìm ra cách thoát khỏi nỗi ám ảnh COVID-19”.

Không chỉ vậy, nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) cho thấy khả năng đọc trôi chảy ở trẻ em giảm khoảng 30% trong thời kỳ đại dịch, nhất là đối với học sinh lớp Hai và lớp Ba. Do đó việc đưa trẻ đến với sách quan trọng hơn bao giờ hết.

Giáo sư Michelle H. Martin từ Đại học Washington - chuyên gia về văn học dành cho trẻ em và thanh thiếu niên - chia sẻ: “Rất ít câu chuyện dành cho trẻ em mang cái kết mở. Ngay cả khi không phải kết thúc có hậu, chúng luôn mang lại cho trẻ một góc nhìn mới: mọi thứ có thể đáng sợ và thảm khốc ngay bây giờ nhưng những ngày tốt đẹp hơn đang đến”.

Những đợt phong tỏa kéo dài còn giúp chúng ta thoát khỏi cuộc sống bận rộn và có thêm thời gian để đọc sách. Doanh số sách in tăng mạnh tại nhiều quốc gia và những hiệu sách truyền thống được hồi sinh. Ước tính khoảng 202 triệu bản sách bìa mềm và bìa cứng được bán ra ở Anh vào năm 2020. Đây là lần đầu tiên doanh số sách vượt mốc 200 triệu kể từ năm 2012.

Tương tự ở Mỹ, doanh số sách in đạt 751 triệu vào năm 2020 - con số cao nhất kể từ năm 2009. Khi các biện pháp giãn cách được dỡ bỏ, ngành công nghiệp xuất bản hy vọng xu hướng này sẽ tiếp tục nhờ mọi người đã hình thành thói quen đọc.

Ralph Baillie và Kate Davies bên ngoài hiệu sách của họ ở Blairgowrie, Perthshire. Hiệu sách này đã trở thành điểm hẹn tinh thần thú vị cho cộng đồng nơi họ sinh sống - ẢNH: THE OBSERVER
Ralph Baillie và Kate Davies bên ngoài hiệu sách của họ ở Blairgowrie, Perthshire. Hiệu sách này đã trở thành điểm hẹn tinh thần thú vị cho cộng đồng nơi họ sinh sống - Ảnh: THE OBSERVER

Alison Holmes, người điều hành một câu lạc bộ sách ở thành phố York, Anh, tin rằng đợt phong tỏa đã giải phóng gánh nặng “cơm áo gạo tiền” cho một số độc giả, để họ quay về với sở thích cũ của mình. Câu lạc bộ sách của Alison còn có hoạt động vui vẻ và lành mạnh khác: tụ họp mỗi tháng một lần để đi dạo trong thành phố, cùng nhau bàn luận về cuốn tiểu thuyết nào đó. Trong thời gian phong tỏa, câu lạc bộ phải hoạt động trực tuyến nhưng khi cuộc sống dần chuyển sang bình thường mới, họ lại ra ngoài tản bộ. 

Nhiều tiệm sách đã tìm ra cách giải quyết vấn đề hạn chế tiếp xúc trong thời kỳ giãn cách. Barbara White - người quản lý sách dành cho trẻ em tại Wimbledon Books, London - chia sẻ: "Tiệm sách phải đóng cửa theo quy định nhưng chúng tôi đã chuyển sang hình thức chọn sách qua internet và đến nhận trực tiếp. Trong thời gian chuẩn bị cho Giáng sinh 2020, cửa hàng thực sự bận rộn. Mọi người say mê khám phá những cuốn sách hay và muốn ủng hộ doanh nghiệp tại địa phương".

Nhiều người nghĩ COVID-19 sẽ là dấu chấm hết cho hiệu sách truyền thống. Tuy nhiên, đại dịch đã giúp ngành xuất bản thể hiện giá trị thực sự của mình. Số hiệu sách độc lập ở Anh đã đạt đến 967 vào năm 2020, tăng 50 so với năm 2019 và là mức cao nhất kể từ năm 2013.

Áp phích broadway bên ngoài nhà hát Richard Rodgers trong cuộc phong tỏa vì COVID-19 ở New York vào tháng 5/2020 - ẢNH: AP
Áp phích broadway bên ngoài nhà hát Richard Rodgers trong cuộc phong tỏa vì COVID-19 ở New York vào tháng 5/2020 - Ảnh: AP

Một trong những người chọn mở cửa hàng sách giữa đại dịch là Kate Davies - một nhà kinh tế chính trị - đã yêu sách từ khi cô còn chưa biết đọc. Chồng cô, Ralph Baillie, làm việc trong lĩnh vực thú y, lại không mê đọc sách. Ralph kể: “Tôi nghĩ mình sẽ chỉ giúp vợ đóng các kệ, quầy và những thứ tương tự chứ chưa từng tưởng tượng rằng cuối cùng tôi sẽ trông nom nơi này và cảm thấy vui vào mỗi buổi sáng mở cửa hàng".

Cửa hàng dự định mở cửa trước lễ Phục sinh nhưng đã bị trì hoãn đến tháng 7/2020. Họ kinh doanh trong sáu tháng và đóng cửa suốt bốn tháng tiếp theo do đợt bùng phát hậu Giáng sinh.

Kate mỉm cười, kể lại: “Chúng tôi mở cửa rồi lại đóng vì dịch bệnh, cứ thế lặp lại… Thế nhưng bây giờ tôi mới cảm thấy mình thực sự là một phần của cộng đồng. Mọi người vào cửa hàng sách và bạn lắng nghe những câu chuyện cuộc đời của họ. Việc kinh doanh thực sự rất vui”.

Sân khấu tiếp tục tỏa sáng

Một người mẫu trình diễn thiết kế của Fendi tại Tuần lễ thời trang Milan 2021 - ẢNH: AP
Một người mẫu trình diễn thiết kế của Fendi tại Tuần lễ thời trang Milan 2021 - Ảnh: AP

Từ đầu tháng 9/2021 tại khu nhà hát sôi động của thành phố New York (Mỹ), các buổi biểu diễn broadway bắt đầu trở lại, chào đón những khán giả đã tiêm chủng đầy đủ và tuân thủ quy định về đeo khẩu trang. Thị trưởng New York - Bill de Blasio nói: "Khi bạn nghĩ về New York... đó là thủ đô của nghệ thuật và văn hóa. Mọi người yêu thích broadway. Khi broadway hoạt động, nó nói lên rất nhiều điều về thành phố. Bạn có thể cảm thấy nhịp sống của thành phố đang quay trở lại".

Riêng đối với dàn diễn viên và nhà sản xuất vở nhạc kịch Come from away, việc mở cửa sân khấu broadway không đơn giản. Vở nhạc kịch từng đoạt giải Tony ra mắt lần đầu tại New York vào ngày 12/3/2017 và bị buộc phải đóng cửa ba năm sau đó. Cả ê-kíp thực sự là một đại gia đình. Đại dịch đã chia rẽ họ vì những thành viên nhiễm bệnh, rời thành phố, thay đổi công việc tạm thời… nhưng không thể làm tan vỡ mối liên kết giữa họ.

Dàn diễn viên Come from away chuẩn bị cho đêm mở màn ngập tràn cảm xúc nhất trong sự nghiệp của họ - ẢNH: WASHINGTON POST
Dàn diễn viên Come from away chuẩn bị cho đêm mở màn ngập tràn cảm xúc nhất trong sự nghiệp của họ - Ảnh: WASHINGTON POST

Sau 18 tháng giãn cách, cả đoàn chuẩn bị cho sự kiện hứa hẹn sẽ là đêm mở màn cảm xúc nhất trong cuộc đời nghề nghiệp của họ: buổi ra mắt trực tiếp tại nhà hát Gerald Schoenfeld vào ngày 21/9, trước những khán giả thực thụ. De’Lon Grant - một diễn viên trong đoàn - chia sẻ: “Trở lại trước khán giả giống như đặt một dấu chấm vào cuối câu văn. Tôi luôn tin rằng chúng tôi sẽ trở lại. Một khi điều đó đến, tôi cảm thấy như muốn nổ tung”. 

Để có được sự hồi sinh của broadway, bên cạnh chiến dịch tiêm chủng là cả một thời gian dài chuẩn bị. Tiến sĩ Blythe Adamson đang tìm kiếm thứ quan trọng hơn cả một màn trình diễn trực tiếp - những cách để giảm thiểu rủi ro lây truyền COVID-19. Cô nói: “Tập hợp hơn 1.000 người vào một căn phòng giữa đại dịch, với tư cách là một nhà dịch tễ học, đó là điều mà tôi sẽ không tán thành nếu tôi không thực sự tin rằng nó có thể được thực hiện một cách an toàn”.

Các phương thức an toàn Adamson và đồng nghiệp xem xét có thể trở thành tiêu chuẩn cho nhiều rạp chiếu phim và các tour diễn ngắn hạn, cũng tạo ra thông lệ tốt trong nhiều năm tới. Adamson kết luận: “Tôi nghĩ rằng rất lâu sau COVID-19, thói quen này có thể sẽ làm giảm sự lây lan của bệnh cúm và các loại virus khác. Tôi hy vọng nó sẽ dẫn đến một môi trường lành mạnh hơn cho những nhân viên, diễn viên và công chúng yêu nghệ thuật”. 

Theo phunuonline