1. Biểu hiện của mụn trứng cá
Mụn trứng cá là một bệnh lý viêm tuyến bã thường gặp, đặc biệt là ở độ tuổi dậy thì.
Bệnh được hình thành dưới tác động của 3 yếu tố chính là sự tăng sản xuất chất bã, sừng hóa cổ nang lông và vai trò của vi khuẩn Cutibacterium acnes.
Ngoài ra, mụn trứng cá cũng có liên quan đến giới tính, thời tiết, tính chất công việc, di truyền, chế độ ăn uống, thuốc, lạm dụng mỹ phẩm…
Các biểu hiện của mụn trứng cá khá đa dạng:
- Mụn đầu trắng: Nằm trong lỗ chân lông kín.
- Mụn đầu đen: Nằm trong lỗ chân lông mở, chất nhờn chuyển sang màu sậm khi gặp không khí bị oxy hóa.
- Mụn đỏ, viêm: Nốt mẩn nhỏ, ửng đỏ.
- Mụn mủ: Mụn đỏ có mủ ở đầu mụn.
- Mụn bọc: Mụn mủ to, tạo thành bọc mủ, cứng và đau.
- Mụn nang: Mụn bọc lớn, nang lông bị viêm, chứa mủ, rất đau.
Hầu hết mụn thường xuất hiện ở trên mặt, nhưng cũng có thể ở trên cổ, lưng, ngực và vai. Mụn và các vết sẹo do mụn để lại có thể ảnh hưởng đến tâm lý, dẫn đến stress và trầm cảm.
2. Nhiều nguyên nhân gây mụn trứng cá
Những biểu hiện của mụn trứng cá được Y học cổ truyền mô tả trong phạm vi chứng phấn thích hay thanh xuân đậu. Nguyên nhân gây bệnh thường do phong nhiệt nung nấu, kết tụ ở Phế kinh, hoặc do ăn quá nhiều chất cay nóng, dầu mỡ sinh ra thấp nhiệt hoặc do Tỳ vận hóa kém, thấp ngưng kết lâu ngày hóa nhiệt, ngưng trệ ở bì phu.
Điều trị mụn trứng cá bằng y học cổ truyền chủ yếu nhằm mục đích thanh nhiệt, giải độc cơ thể, hành khí hoạt huyết.
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng thuốc Y học cổ truyền giúp cân bằng nội tiết tố và điều hòa kinh nguyệt, giảm tình trạng tuyến bã hoạt động quá mức gây tắc nghẽn lỗ chân lông, đồng thời giúp da sáng hồng, tươi trẻ hơn.
Bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bị mụn trứng cá có thể sử dụng một số thức uống được chế biến từ những dược liệu sau đây để thanh nhiệt giải độc, giúp hỗ trợ điều trị bệnh.
Mụn trứng cá tuổi dậy thì có thể khiến trẻ mất tự tin, ảnh hưởng tâm lý học tập.
3. Thức uống thanh nhiệt, giải độc
3.1 Nước ép khổ qua
Nguyên liệu chính: Khổ qua, chanh, mật ong.
Cách pha chế: Khổ qua rửa sạch, bỏ hạt, cắt thành từng miếng nhỏ rồi ngâm trong nước muối khoảng 10 phút. Chanh vắt lấy nước. Khổ qua sau khi ngâm, vớt ra bỏ vào máy xay sinh tố, thêm một ít nước và xay đến khi nhuyễn. Dùng rây để lọc lấy nước. Cho nước cốt chanh vào nước khổ qua đã lọc và nêm thêm mật ong vào để uống. Nếu muốn uống lạnh, có thể cho thêm một ít đá viên.
Công dụng: Khổ qua có tác dụng thanh nhiệt giải độc, làm đẹp da, ngăn ngừa sự hình thành mụn trứng cá.
3.2 Sinh tố rau má đậu xanh
Nguyên liệu chính: Rau má 500g, đậu xanh cà vỏ 150 g, sữa đặc 200 ml.
Cách pha chế: Đậu xanh sau khi ngâm khoảng 4 – 5 tiếng cho vào nồi hấp hấp chín trong 30 phút. Rau má mua về ngắt bỏ bớt phần thân rau má và nhặt những cọng rau bị vàng, rửa sạch rồi để ráo.
Xay nhuyễn 500 g rau má với 1 lít nước lọc, lược qua rây hoặc cho vào túi vắt và lọc bỏ phần bã. Cho vào máy xay đậu xanh đã hấp chín, 200 ml sữa đặc và phần nước rau má đã được lọc và xay cho đến khi các nguyên liệu hòa trộn đều với nhau.
Công dụng: Rau má có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm, kháng khuẩn. Đậu xanh giúp thanh nhiệt giải độc, trừ thấp, lợi tiểu tiện.
3.3 Trà bí đao
Nguyên liệu chính: Bí đao khoảng 0.5 – 1 kg (nên chọn bí già để nước được ngon hơn), đường phèn, lá dứa, ngò già, thục địa.
Cách pha chế: Bí rửa sạch, không gọt vỏ, cắt khoanh nhỏ, rửa lại với nước. Nấu bí cùng 3 lít nước, thục địa. Khi bí gần nhừ cho thêm ngò dương và lá dứa vào nồi, ninh nhỏ lửa cho đến khi bí nhừ hẳn thì vớt ra. Dùng dụng cụ ép bí để lấy hết nước ra. Lược nước bí qua rây để bỏ đi những cặn và xác nguyên liệu. Thêm một tí muối để vị được đậm đà.
Công dụng: Bí đao có tác dụng giải nhiệt, bài độc, ngăn ngừa mụn. Bên cạnh đó, thục địa tăng cường hệ miễn dịch, chống viêm rất tốt.
Trà bí đao giải độc, kháng khuẩn hỗ trợ trị mụn trứng cá tuổi dậy thì.
3.4 Trà bồ công anh chanh đá
Nguyên liệu chính: 250 ml nước nóng 90 – 95 độ C, 1 gói trà bồ công anh dạng túi lọc, 1 quả chanh vàng và 1 quả chanh xanh.
Cách pha chế: Ngâm trà túi lọc trong nước nóng khoảng 5 – 10 phút. Sau đó, cho thêm đường hoặc mật ong vào trà. Vắt chanh lấy nước cốt rồi cho vào khuấy đều với trà rồi nêm nếm với đường cho vừa vị. Rót thêm nước để pha loãng trà theo ý thích. Uống kèm đá.
Công dụng: Bồ công anh là vị thuốc thanh nhiệt, tăng cường đào thải chất độc qua gan, thận, trị mụn nhọt, sang lở.
Theo suckhoedoisong.vn