Hội chứng ống cổ tay có biểu hiện thế nào?

Mặc dù có nhiều yếu tố nguy cơ gây hội chứng đường hầm cổ tay, nhưng hầu hết các trường hợp (khoảng 70%) là vô căn. Còn lại là do các bệnh lý khác gây ra, như: Bệnh Gout, chấn thương gây biến dạng khớp, viêm khớp dạng thấp, suy giáp, ứ dịch làm tăng lượng dịch trong ống cổ tay lúc mang thai…

Các triệu chứng điển hình bao gồm đau cổ tay và bàn tay kèm theo dị cảm và kiến bò dọc theo lòng bàn tay từ bờ ngoài ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa, và một nửa phía quay của ngón đeo nhẫn.

Bệnh nhân sẽ gặp các rối loạn về cảm giác, vận động. Bệnh nếu điều trị sớm có thể khỏi hoàn toàn, nhưng nếu để muộn sẽ gây ra các biến chứng: Đau, tê, giảm hoặc mất cảm giác vùng da tay… Nặng hơn có thể gây teo cơ, giảm chức năng vận động bàn tay. 

Điều trị hội chứng ống cổ tay bằng cách nào? - Ảnh 1.

Người sử dụng chuột máy tính nhiều có nguy cơ cao mắc bệnh hội chứng ống cổ tay.

Cách nào điều trị hội chứng ống cổ tay?

Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm tác động nguyên nhân gây bệnh, thay đổi chế độ làm việc, dùng thuốc…

Để điều trị đúng, bệnh nhân cần đi khám tại chuyên khoa cơ xương khớp để tìm nguyên nhân. Có khoảng 30% bệnh nhân bị hội chứng ống cổ tay có nguyên nhân cụ thể, khi dùng thuốc điều trị các bệnh lý gốc thì tình trạng hội chứng ống cổ tay cũng sẽ giảm. 

Riêng với trường hợp mắc bệnh do mang thai, thì sau khi hết thai kỳ bệnh cũng sẽ tự hết nên hầu như không cần điều trị.

Người phải sử dụng chuột máy tính thường xuyên cần thay đổi vị trí đặt chuột để không tác động xấu lên cổ tay.

70% bệnh vô căn được điều trị bằng thuốc kháng viêm đường uống hoặc tiêm sẽ mang lại hiệu quả giảm các triệu chứng nhanh chóng.

Điều trị hội chứng ống cổ tay bằng cách nào? - Ảnh 2.

Hình ảnh giải phẫu ống cổ tay.

Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc kháng viêm, giảm đau không steroid như ibuprofen, diclofenac, naproxen… ở giai đoạn đầu của hội chứng ống cổ tay. Đồng thời, bệnh nhân cần hạn chế các vận động làm gấp hoặc ngửa cổ tay quá mức nhằm giảm áp lực trong ống cổ tay. 

Nếu tình trang bệnh nặng hơn, khi dùng các thuốc kháng viêm giảm đau không steroid không mang lại hiệu quả, bác sĩ sẽ có chỉ định tiêm thuốc steroid (corticoid). Có thể cần phải tiêm loại hỗn hợp steroid (dexamethasone) và một loại thuốc gây tê (lidocaine) vào đường hầm cổ tay tại vị trí giữa xương trụ và gân gan tay dài, theo hướng về phía xa nếp lằn cổ tay. Phương pháp này phải được thực hiện tại bệnh viện.

Lưu ý là các thuốc kháng viêm không steroid hay corticoid có những tác dụng phụ khá nghiêm trọng nếu dùng không đúng. Do đó bệnh nhân không được lạm dụng mà phải tuân theo chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ.

Ngoài dùng thuốc, bệnh nhân có thể dùng thêm biện pháp nẹp cố định cổ tay. Phương pháp này sẽ giúp giảm áp lực lên dây thần kinh giữa. Có thể đeo đai nẹp vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc đeo liên tục cả ngày. Sau 4 tuần đeo nẹp, hầu hết bệnh nhân sẽ thấy tình trạng bệnh được cải thiện đáng kể.

Nếu tình trạng bệnh nặng mà biện pháp dùng thuốc và nẹp không hiệu quả, các triệu chứng vẫn còn hoặc tái phát, các dây thần kinh giữa bị tổn thương nghiêm trọng dẫn đến tình trạng yếu và teo cơ bàn tay… thì bác sĩ sẽ cân nhắc giữa lợi và hại, những nguy cơ có thể xảy ra để chỉ định phẫu thuật.

Theo suckhoedoisong.vn