leftcenterrightdel
Người lao động tìm việc tại một hội chợ việc làm ở Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Tình trạng thiếu công nhân lành nghề ở Đức đang trở nên ngày càng trầm trọng.

Phóng viên TTXVN tại Berlin dẫn kết quả cuộc khảo sát mới do Viện nghiên cứu Kinh tế Đức (Ifo) tiến hành cho biết gần 50% các công ty hiện đang thiếu nhân công, thậm chí phải thu hẹp quy mô hoạt động kinh doanh do không đủ người lao động.

Trong cuộc phỏng vấn với tờ Zeit, ông Stefan Sauer, chuyên gia về Thị trường Lao động của Ifo, nói: “Trong trung và dài hạn, vấn đề này có thể còn trở nên nghiêm trọng hơn.”

Trong cuộc khảo sát tháng 7/2022, Viện Ifo cho biết 49,7% công ty ở Đức đang thiếu lao động có tay nghề cao. Con số này cao hơn mức kỷ lục ghi nhận trước đó là 43,6% thiết lập vào tháng 4/2022.

Cuộc khảo sát, được tiến hành hàng quý kể từ năm 2009, đã chứng kiến tình trạng thiếu lao động tay nghề tăng gần như không ngừng kể từ thời điểm thống kê, từ chỗ các công ty chỉ thiếu 10% người lao động vào năm 2009 lên khoảng 30% vào năm 2019. Đại dịch COVID-19 đã khiến con số này giảm, nhưng đã tăng mạnh trở lại kể từ đầu năm ngoái.

Theo các số liệu thống kê của Ifo, những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất phải kể đến các công ty cung cấp dịch vụ, ghi nhận thiếu lao động có tay nghề cao lên tới 54,2%. Trong số các công ty trên, dịch vụ khách sạn và cung cấp nhà ở có tỷ lệ thiếu nhân công trên mức trung bình, lên tới 64%.

Lĩnh vực sản xuất cũng bị ảnh hưởng nặng nề, với 44,5% các công ty tham gia khảo sát cho biết họ đang thiếu lao động có tay nghề cao, trong đó 41,9% là các công ty bán lẻ, 39,3% các công ty xây dựng và 36,3% các công ty bán buôn.

Đại diện các ngành và các nhà kinh tế từ lâu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nhu cầu lao động có tay nghề cao của Đức, cho rằng sự thiếu hụt có nguy cơ kìm hãm nền kinh tế. Theo một nghiên cứu gần đây của Ngân hàng tái thiết Đức (KfW), số các công ty bị kìm hãm hoạt động do tình trạng thiếu công nhân đã tăng gấp đôi trong vòng một năm qua.

Hiện Chính phủ Đức đang tìm giải pháp cải cách chính sách nhập cư, đồng thời xem xét nghiêm túc hơn về việc giải quyết tình trạng thiếu nhân công đang làm tê liệt nhiều ngành kinh tế.

Liên minh đèn giao thông cầm quyền đang thúc đẩy các kế hoạch cải cách chính sách nhập cư, thông qua đó thu hút lao động nước ngoài tiếp cận thị trường lao động Đức dễ dàng và nhanh chóng hơn./.

Theo vietnamplus