leftcenterrightdel

Đức đang xem xét nới lỏng quy định đối với các sinh viên mới tốt nghiệp đại học để họ có thể làm việc hợp pháp tại Đức với tấm Thẻ xanh, cũng như nâng cao hiệu quả thực thi Đạo luật nhập cư cho người có chuyên môn cao có hiệu lực từ cách đây hai năm.

Theo Phó Giám đốc điều hành Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (DIHK) Achim Dercks, việc triển khai đạo luật này không mang lại kết quả như mong đợi khiến các công ty tại Đức rất khó tuyển dụng lao động có trình độ từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Vì thế, Bộ Lao động và Bộ Nội vụ Đức đang phối hợp giải quyết vấn đề này theo hướng sẽ cho phép những người có kinh nghiệm nghề nghiệp và hợp đồng lao động được tới Đức làm việc, cho dù trình độ chuyên môn của họ chưa được công nhận ở mức hoàn toàn tương đương.
Trước đây, việc công nhận trình độ chuyên môn tương đương là một trong những trở ngại lớn đối với việc thu hút lao động nhập cư có tay nghề cao tới Đức, bởi sự khác biệt về hệ thống đào tạo nghề kép tại Đức.

Vì thế, ông Achim Dercks cho rằng cần phải đơn giản hóa các quy định này để cho phép những lao động có tay nghề ở trình độ tương đương có thể tới Đức làm việc và bổ sung dần các yêu cầu về bằng cấp hay chứng chỉ còn thiếu.

Ngoài ra, thủ tục xét duyệt kéo dài và sự thiếu hợp tác giữa các cơ quan chức năng như sở ngoại kiều, sở lao động, cơ quan chứng nhận bằng cấp tương đương hay các đại sứ quán cũng là nguyên nhân khiến việc tuyển dụng lao động nước ngoài có tay nghề cao tới Đức làm việc luôn bị chậm.
Trong khi đó, nhu cầu về lao động lành nghề tại Đức ngày càng cao theo các năm. Theo số liệu của Cục Thống kê Liên bang Đức (Destatis), tính đến cuối năm 2021, số lao động nước ngoài có giấy phép cư trú tạm thời tại Đức là khoảng 295.000 người, tăng hơn gấp ba lần chỉ sau 10 năm.

Đa số những người này mang quốc tịch Ấn Độ (chiếm 11%) hay các nước vùng Balkan như Bosnia và Herzegovina chiếm 9% và Kosovo chiếm 7%.
Cũng tính đến cuối năm 2021, chỉ có 24% số lao động nước ngoài ở Đức là các chuyên gia học thuật được nhận Thẻ xanh, một quy định được áp dụng thống nhất chung trên toàn EU từ năm 2012 để chống lại sự thiếu hụt chuyên gia có trình độ cao. Trong số này, gần 50% làm việc trong các ngành nghề thiếu nhân lực như bác sĩ hoặc chuyên gia công nghệ thông tin./.

Theo BNews