leftcenterrightdel
 Mặc quần lót không đúng cách có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ảnh: Freepik

Việc sử dụng nội y có sức ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp và sức khỏe. Bởi tác dụng của quần lót không chỉ thấm hút mồ hôi mà còn có giúp thoát hơi ẩm ra ngoài. Vì vậy, việc lựa chọn, dùng quần lót đúng cách sẽ giúp các chị em ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng âm đạo. Dưới đây là những quy tắc mà phái đẹp cần lưu ý.

Dùng chất liệu cotton

Âm đạo là khu vực rất nhạy cảm, mỏng manh. Một nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Sản Phụ khoa Mỹ cho thấy, việc mặc đồ lót với các chất liệu như polyester, ren, nylon hoặc vải từ sợi tổng hợp có thể khiến các chị em bị nhiễm trùng nấm men. Theo các nhà khoa học, những loại vải này sẽ gây hại cho sức khỏe âm đạo bằng cách giữ nhiệt và độ ẩm trong thời gian dài; từ đó gây kích ứng da và tạo môi trường cho vi khuẩn, nấm phát triển mạnh. Do đó, các chị em nên lựa chọn đồ lót bằng vải cotton thoáng khí để hạn chế nguy cơ bị kích ứng âm đạo và nhiễm trùng.

Mặc đồ lót vào ban đêm

Việc có nên mặc quần lót vào ban đêm hay không còn tùy thuộc vào thói quen và tình trạng sức khỏe vùng kín của từng người. Đối với những người có một âm đạo khỏe mạnh, lựa chọn nào cũng không gây ảnh hưởng nhiều. Ngược lại, những đối tượng hay tái phát bệnh nhiễm trùng âm đạo thường được khuyên nên hạn chế mặc đồ lót trong lúc ngủ. Theo các chuyên gia y tế, thói quen mặc quần lót trong lúc ngủ sẽ khiến khu vực âm đạo thêm bí bách, làm độ ẩm tăng cao. Đây là hai yếu tố tạo cơ hội cho vi khuẩn sinh sôi.

Giặt riêng đồ lót

Việc giặt chung đồ lót với các trang phục khác là nguyên nhân gây ra viêm ngứa vùng nhạy cảm. Theo nghiên cứu trên tạp chí Applied and Environmental Microbiology (Mỹ) cho thấy, vi khuẩn có thể tồn tại trong máy giặt. Theo thời gian, việc giặt đồ lót chung với quần áo trong máy giặt có thể ảnh hưởng đến sức khỏe âm đạo làm tăng khả năng nhiễm trùng nấm men hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu, trong số các bệnh lý khác.

Để đảm bảo đồ lót được bền đẹp và sạch sẽ, phái nữ nên giặt chúng bằng tay. Hành động này vừa làm giảm lượng vi khuẩn một cách hiệu quả, tránh tình trạng kích ứng âm đạo do dính hóa chất hoặc xà phòng có tính tẩy rửa mạnh.

Thay mới đồ lót theo định kỳ

Theo Viện Good Housekeeping, đồ lót sạch cũng có thể chứa tới 10.000 vi khuẩn sống. Nguyên nhân do quá trình giặt giũ có thể khiến quần lót bị nhiễm khuẩn từ máy giặt, nguồn nước khi giặt hoặc từ nước tiểu thừa sau mỗi lần đi vệ sinh. Do đó, các chuyên gia sức khỏe khuyên mỗi chị em nên thay thế quần lót sau 6-12 tháng sử dụng. Bởi đây là một trong những cách cải thiện và ngăn ngừa các nguy cơ gây viêm nhiễm vùng kín.

Tránh mặc quần lót quá chật

Nhiều người có thói quen dùng quần lót chật trong những ngày "đèn đỏ" để giữ băng vệ sinh nằm đúng vị trí. Tuy nhiên, cách làm này có thể tạo ra ma sát khiến vùng kín thêm khó chịu, nặng mùi và có thể dẫn đến lông mọc ngược. Tương tự, sự tích tụ của nhiệt và độ ẩm cũng mang đến nguy cơ nhiễm trùng nhiều hơn.

Theo vnexpress