1. Tại sao dưỡng sinh trong tiết Xuân phân lại quan trọng?
Mùa Xuân là mùa đầu tiên trong một năm, mùa của sự sinh sôi nảy nở. Mùa Xuân nếu như không biết bảo vệ, giữ gìn sức khỏe thì đó chính là gốc rễ của một năm nhiều bệnh tật.
Ngược lại để nâng cao thể trạng, phòng bệnh dưỡng sinh thì mùa Xuân chính là thời điểm rất phù hợp, đặc biệt tiết Xuân phân lại là tiết khí của âm dương cân bằng, chính là thời cơ rất tốt.
Người phương Đông xưa theo chu kỳ trái đất quay quanh mặt trời chia một năm thành 24 tiết khí. Mỗi tiết khí lại có một đặc trưng riêng với những điều cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe.
Hiện nay chúng ta chính đang trong tiết Xuân phân. Lúc này mặt trời chiếu thẳng vuông góc với Xích đạo, ngày dài bằng đêm, âm dương cân bằng. Sau ngày này mặt trời sẽ di chuyển lên phía Bắc, ngày sẽ dài dần còn đêm sẽ ngắn lại.
Đây là một tiết khí rất quan trọng trong năm. Về mặt thiên văn sẽ thấy ngày dài bằng đêm, âm dương bình hằng. Về mặt khí hậu sẽ cảm nhận được rõ ràng không khí mùa Xuân, cây cối tốt tươi, dương liễu xanh tốt, khắp trời đất bừng bừng sinh cơ.
Đông y cho rằng thân thể người là một tiểu vũ trụ, có sự đối ứng với đại thiên thế giới bên ngoài, cho nên trong tiết trời đặc biệt này thân thể người cũng có những biến đổi rất to lớn, chính vì vậy việc dưỡng sinh cũng có những yêu cầu riêng.
2. Dưỡng sinh trong tiết Xuân phân cần chú ý gì?
Âm dương trong cơ thể vốn dĩ cần cân bằng, không nên thiên lệch. Trong tiết Xuân phân giữ cho âm dương trong cơ thể cân bằng lại càng quan trọng hơn để tương ứng với sự cân bằng của âm dương trong trời đất.
Để dưỡng sinh, phòng bệnh trong tiết khí này chúng ta cần chú ý bảo trì trạng thái cân bằng của âm dương trong cơ thể. Am dương trong cơ thể lại có nhiều biểu hiện ở những mức độ khác nhau, từ việc nóng - lạnh, tinh thần cảm xúc, ăn uống để lao động nghỉ ngơi...
Có thể nói giữ âm dương cân bằng chính là nguyên tắc quan trọng bậc nhất, là nguyên lý chỉ đạo cho những phương pháp dưỡng sinh cụ thể khác.
2.1 Chú ý phòng hàn
Xuân phân là lúc âm dương cân bằng, thời tiết đang ấm dần lên. Sau tiết này những ngày ấm sẽ nhiều hơn những ngày lạnh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trời tiết đã hoàn toàn chuyển sang ấm, nóng, sẽ vẫn còn những ngày mát, lạnh đan xen.
Nhiều người chính vì thời tiết đang ấm dần lên mà chủ quan, đặc biệt nguy hiểm là chủ quan trong những ngày trời chuyển lạnh, không chú ý giữ ấm cơ thể, tạo điều kiện cho hàn tà xâm nhập cơ thể mà gây bệnh. Chính vì vậy mà giữ ấm, phòng hàn vẫn là điều cần chú ý trong tiết Xuân phân này.
Giữ ấm phòng hàn trong tiết Xuân phân giúp phòng ngừa bệnh tật.
2.2 Điều dưỡng tinh thần
Xuân phân là lúc 90 ngày mùa Xuân đã đi được một nửa. Theo Đông y mùa Xuân là lúc phong khí thịnh hành, phong mộc bên ngoài thịnh vượng thì trong cơ thể cũng là lúc tạng Can đang rất vượng, tình chí của tạng Can lại là giận giữ.
Do vậy, theo Đông y con người sẽ dễ nóng giận hơn, đặc biệt là người vốn có bệnh lý của Can như Can âm hư, Can hỏa vượng…
Ngược lại chính việc hay nóng giận này cũng ảnh hưởng đến công năng của tạng Can, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến công năng các tạng phủ khác. Vì vậy trong tiết Xuân phân cần đặc biệt lưu ý điều dưỡng tinh thần, tránh giận giữ, có thể tạo ra một số hoạt động như tản bộ, giải trí, đi du lịch… để khí huyết điều sướng, tinh thần thư thái hơn.
Tản bộ giúp thư giãn tinh thần trong tiết Xuân phân.
2.3 Chú ý ăn uống
Ăn uống là một khâu rất quan trọng trong dưỡng sinh. Người xưa có câu "dược bổ bất như thực bổ" nghĩa là dùng thuốc để bổ thì không thể bằng dùng đồ ăn để bổ.
Vào tiết Xuân phân, ăn uống cần chú ý đến sự cân bằng âm dương, đồng thời vẫn nên bảo trì nguyên tắc "phòng hàn". Âm dương trong đồ ăn được thể hiện ở hai mặt lớn là tính chất của đồ ăn và thể chất của đồ ăn.
Về tính chất của đồ ăn, không nên ăn uống những thứ có tính quá lạnh. Có thể sử dụng nhưng không nên sử dụng quá nhiều, quá thường xuyên các loại trà thanh nhiệt, trà mát gan.
Đồng thời cũng không nên sử dụng quá nhiều đồ cay nóng, không nên uống quá nhiều rượu bia. Khi nấu những thứ đồ có tính lạnh như cá, tôm, cua… nên dùng thêm những loại gia vị có tính nóng như hành, gừng, tỏi… để cân bằng lại hàn - nhiệt.
Nên sử dụng thêm các gia vị hành, gừng, tỏi khi chế biến đồ ăn để phòng hàn.
2.4 Cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi
Người lao động nặng, lao động chân tay nên có chế độ nghỉ ngơi thích hợp, người làm việc văn phòng, làm việc trí óc cần có thêm những hoạt động thể thao, vận động thân thể.
Vận động và nghỉ ngơi chính là biểu hiện của hai mặt âm dương, làm tốt vấn đề này chính là góp phần cho âm dương cân bằng, có lợi cho việc dưỡng sinh, đặc biệt là trong tiết Xuân phân.
Theo suckhoedoisong.vn