Tháng 5/2024, một người đàn ông cao tuổi nằm liệt giường đã được giải cứu khỏi một ngôi nhà thuê ở thành phố Kochi, bang Kerala, Ấn Độ sau khi bị con trai bỏ rơi. Cảnh sát cho biết, các thành viên gia đình đã rời khỏi ngôi nhà, để lại người cha 68 tuổi một mình.
Cô độc giữa đời
Người đàn ông trên đã được chuyển đến bệnh viện địa phương. Khi bị cảnh sát thẩm vấn, người con trai nói rằng, anh ta chỉ đi làm việc xa và sẽ quay về đón cha mình, dù chủ nhà tiết lộ rằng, cả gia đình đã rời đi mà không nói lời nào và còn nợ nhiều tháng tiền thuê trọ.
|
|
Những phụ nữ lớn tuổi bị người thân bỏ rơi ở thành phố Ayodhya, bang Uttar Pradesh, Ấn Độ phải ăn xin và làm mọi việc để tự lo cho mình - Nguồn ảnh: The Mooknayak |
Trong vụ việc khác cũng xảy ra ở Ấn Độ, bà Amrit Kaur - 80 tuổi - cùng con trai đi từ bang Punjab đến thủ đô Delhi để thăm một người họ hàng. Con trai đã bỏ rơi bà tại nhà ga xe lửa. Sau vài tháng, bà được cảnh sát chuyển đến một nơi dành cho người vô gia cư. Các nhân viên ở trại vô gia cư cho biết, ban đầu, người phụ nữ này bị sốc và không nói được mạch lạc. Khi được chuyên gia hỏi thăm, bà không đổ lỗi cho con trai mình về bất cứ điều gì mà chỉ lặp đi lặp lại câu: “Tôi ở đây là do số phận”.
Người già cũng có thể bị bỏ rơi ngay cả khi thân nhân của họ không chịu áp lực về kinh tế. Bà Orratai - 84 tuổi, ở Thái Lan - phải tự lo cho bản thân dù có 4 người con. Bà đã cố gắng liên lạc với cô con gái út - người được ăn học nhiều nhất và đang sống trong một ngôi nhà sang trọng ở Bangkok - nhưng bị từ chối. Bà được một nhóm tình nguyện viên địa phương phát hiện và hỗ trợ.
Bà Orratai bộc bạch, bà đã một mình nuôi 4 đứa con, cho chúng ăn học. Hiện giờ bà đang sống nhờ vào khoản trợ cấp hằng tháng dành cho người già, người khuyết tật và sự hỗ trợ từ người quen, hàng xóm. Điện, nước trong nhà đã bị cắt do bà không đủ tiền chi trả. Bà bị bệnh về xương, cần được phẫu thuật nhưng không người con nào của bà chịu ký giấy chấp thuận phẫu thuật. Trong dòng nước mắt, bà Orratai chỉ có thể bày tỏ mong muốn được gặp các con của mình.
Tăng phúc lợi để bảo vệ người già
Tuổi thọ trung bình tăng lên có thể khiến nhiều người già phải sống phụ thuộc vào người khác trong thời gian dài hơn. Ở Malaysia, năm 2023, có khoảng 2,5 triệu người trên 65 tuổi, chiếm 7,4% trong tổng số 33,7 triệu dân. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 4,5 triệu vào năm 2030.
Hiệp hội Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Malaysia (Agecope) định nghĩa, các trường hợp bỏ rơi người cao tuổi là gia đình không đến thăm và ngừng trả phí chăm sóc hằng tháng cho họ. Các bệnh viện công ở Malaysia ghi nhận, số người cao tuổi nhập viện nhưng không thể liên lạc được với người thân ngày càng tăng.
Bệnh viện Kuala Lumpur (HKL) ghi nhận, số bệnh nhân bị bỏ rơi tăng 50% trong vòng 3 năm tính từ năm 2020-2023. Trong 5 tháng đầu năm 2024, HKL ghi nhận có khoảng 166 bệnh nhân bị bỏ rơi, với khoảng 50% là người trên 60 tuổi. Từ năm 2018 đến tháng 6/2022, Malaysia có hơn 2.100 người cao tuổi bị bỏ rơi ở các bệnh viện.
Hiện Chính phủ Malaysia đang cung cấp 500 RM (khoảng 2,7 triệu đồng) mỗi tháng cho người trên 60 tuổi theo chương trình hỗ trợ người cao tuổi không có nguồn thu nhập hoặc không được gia đình chăm sóc. Chính phủ Malaysia cũng điều hành 11 viện dưỡng lão miễn phí cho khoảng 2.000 người cao tuổi, bên cạnh khoảng 2.000 cơ sở chăm sóc người cao tuổi tư nhân.
Chính phủ Malaysia cũng nỗ lực giải quyết vấn đề người cao tuổi bị gia đình bỏ rơi, bao gồm việc đệ trình dự thảo Luật Người cao tuổi vào năm 2024. Bộ Phụ nữ, Gia đình và Phát triển cộng đồng Malaysia cho biết, dự luật này sẽ bảo vệ phúc lợi và các quyền cơ bản của người cao tuổi, tạo ra một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ và trao quyền cho cả người cao tuổi lẫn các thành viên gia đình họ.
Theo phụ nữ TPHCM