leftcenterrightdel
Quả roi được cho là có tác dụng hỗ trợ kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa bệnh tiểu đường. Ảnh: Kiều Vũ 

Đường trong máu được hỗ trợ kiểm soát

Một trong những tác dụng của quả roi là có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách tăng cường hoạt động của các enzyme chuyển hóa carbohydrate. Bên cạnh đó, chất jambosine bên trong quả roi được cho là có tác dụng ngăn chặn quá trình chuyển hóa tinh bột thành đường bên trong cơ thể. Do đó, người bệnh tiểu đường có thể thêm quả roi vào chế độ ăn uống.

Đốt cháy mỡ thừa

100g quả roi cung cấp khoảng 35 – 40 kcal; 84,8g nước; 0.5g protein; 0,3g chất béo; 9,9g Carbohydrate; 2g chất xơ…Với những thành phần như vậy, roi còn là trái cây lý tưởng cho người đang theo chế độ giảm cân. Hơn nữa, quả roi chứa ít chất béo và không đường, giúp tránh tình trạng tăng cân. Ăn quả roi còn tạo cảm giác no, giảm cảm giác đói và hạn chế lượng calo tiêu thụ.

Các thành phần chất xơ và vitamin có trong quả roi cải thiện trao đổi chất trong cơ thể, đồng thời hỗ trợ quá trình đốt cháy mỡ thừa và ngăn ngừa tích tụ mỡ. Từ đó giúp việc giảm cân trở nên an toàn và hiệu quả. Khi thêm roi vào chế độ ăn không chỉ giúp cảm thấy no hơn mà còn hỗ trợ quá trình giảm cân một cách tự nhiên.

Lưu ý khi đưa quả roi vào chế độ ăn

Nên ăn roi như món tráng miệng sau bữa ăn chính. Trong roi có khá nhiều vitamin C, do đó để hấp thụ dưỡng chất tốt hơn và tránh tình trạng đau dạ dày và trào ngược thực quản thì không nên ăn roi lúc đói.

Quả roi có tác dụng tốt nhưng không nên ăn quá nhiều một lúc vì như vậy sẽ làm cho chất xơ trong dạ dày tăng lên, cơ thể không kịp bài tiết, gây ra chứng khó tiêu, đầy hơi.

Không nên ăn dưa chuột cùng một lúc với quả roi vì enzyme trong dưa chuột sẽ triệt tiêu vitamin C trong roi.

Cũng không nên ăn roi cùng lúc với tôm vì vitamin C trong roi sẽ phản ứng với chất asen pentoxide trong tôm tạo thành chất độc có thể gây đau bụng, buồn nôn, chóng mặt…

Theo laodong