    |
 |
Hạt lanh là nguồn cung cấp omega-3 tốt cho cơ thể. Ảnh - AI: Ngọc Thùy |
Bác sĩ dinh dưỡng Vani Krishna tại Bệnh viện Manipal, Bengaluru (Ấn Độ) - cho biết, ngoài axit béo omega-3, hạt lanh cũng giàu chất xơ và protein trong chế độ ăn uống. Chúng có một số vitamin tan trong nước và tan trong chất béo mà cơ thể bạn cần. Việc tiêu thụ hạt lanh có thể mang lại nhiều lợi ích và bảo vệ bạn khỏi bệnh tim, tiểu đường và béo phì.
Trong hạt lanh chứa khoảng 70% axit alpha linolenic (ALA), thường được gọi là axit béo omega-3, 20% axit béo không bão hòa đơn và 10% chất béo bão hòa.
Mỗi thìa hạt lanh xay chứa khoảng 1,8 gram omega-3 thực vật, được biết đến với đặc tính chống viêm và giữ nhịp tim ổn định. Lượng này đủ để bổ sung omega-3 cho chế độ ăn, nhưng vẫn cần kết hợp với các nguồn omega-3 khác (như cá béo) để đạt hiệu quả cao nhất trong việc bảo vệ tim mạch, não bộ.
Hạt lanh chứa phytoestrogen được gọi là lignan, tương tự như hormone estrogen. Đó là lý do tại sao chúng được gọi là estrogen thực vật và có đặc tính chống oxy hóa, giúp ức chế tình trạng viêm. Chúng chứa nhiều lignan hơn so với các loại thực phẩm thực vật khác. Bên cạnh đó, chúng rất giàu chất xơ hòa tan và không hòa tan, giúp tăng cường sức khỏe đường ruột.
Tác dụng của hạt lanh với bệnh tim
Giảm cholesterol: ALA từ hạt lanh có thể giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), từ đó cải thiện sức khỏe tim mạch.
Chống viêm: Omega-3 trong hạt lanh cũng có tác dụng chống viêm, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
Tác dụng của hạt lanh đối với lượng đường trong máu
Hỗ trợ kiểm soát đường huyết: Hạt lanh còn chứa chất xơ hòa tan (chủ yếu là lignans), giúp điều hòa lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu sau bữa ăn. Điều này có thể giúp người bị tiểu đường kiểm soát mức đường huyết hiệu quả hơn.
Kháng insulin: Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hạt lanh có thể giúp giảm độ kháng insulin, điều này cũng góp phần vào việc duy trì lượng đường trong máu ổn định.
Lưu ý
Bác sĩ dinh dưỡng Vani Krishna nhấn mạnh rằng, hạt lanh cung cấp omega-3 và có những tác dụng tích cực đối với sức khỏe tim mạch và kiểm soát lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, để đạt được lợi ích tối đa cho tim mạch và bệnh tiểu đường, bạn có thể cần bổ sung thêm các nguồn omega-3 khác như cá béo (chứa EPA và DHA) và duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh.
Nếu bạn có tình trạng sức khỏe đặc biệt như bệnh tim hoặc tiểu đường, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để xây dựng chế độ ăn hợp lý.
Theo laodong