|
|
Các nhà khoa học liên tục cảnh báo về những tác động tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe con người. (Ảnh: iStock) |
Vi nhựa, những mảnh nhựa nhỏ đến mức gần như vô hình, có kích thước dưới 5mm, đã len lỏi vào khắp nơi trong cơ thể con người, từ phổi, máu, thậm chí đến não bộ.
Dù mức độ nguy hại vẫn chưa hoàn toàn được xác định, nhưng các nhà khoa học đã liên tục cảnh báo về những tác động tiềm ẩn đến sức khỏe.
Vi nhựa đã xuất hiện khắp nơi trên Trái Đất, từ đáy đại dương sâu thẳm đến đỉnh núi cao, lơ lửng trong không khí, hòa tan trong nước, nằm lẫn trong đất và thậm chí tồn tại trong chuỗi thực phẩm. Mỗi ngày, chúng ta tiếp xúc với vi nhựa qua việc hít thở, ăn uống, hoặc chạm vào các đồ vật.
Trong một buổi điều trần tại Quốc hội Pháp, chuyên gia người Pháp Fabienne Lagarde chia sẻ: "Ở thời điểm năm 2024, mỗi người trong chúng ta đều tiềm ẩn vi nhựa trong hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể. Điều này có thể sẽ nghiêm trọng hơn với những đứa trẻ sinh ra vào năm 2040.”
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra mối liên hệ giữa vi nhựa và các vấn đề sức khỏe. Hồi tháng Ba vừa qua, một nghiên cứu trên Tạp chí Y học New England cho thấy sự tích tụ vi nhựa trong mạch máu con người có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ hoặc thậm chí tử vong sớm.
Các nghiên cứu khác cũng đưa ra cảnh báo về tác hại của vi nhựa đối với hệ sinh sản, làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư và gây hại cho hệ hô hấp.
Bà Tracey Woodruff-một nhà nghiên cứu tại trường Đại học California (San Francisco, Mỹ)-đã thực hiện một nghiên cứu tổng hợp dựa trên kết quả của 2.000 nghiên cứu trước đó trên động vật, và phát hiện rằng vi nhựa có thể gây hại cho khả năng sinh sản, tăng nguy cơ ung thư và tổn hại hệ hô hấp.
|
|
Hạt vi nhựa len lỏi ở khắp mọi nơi trên hành tinh của chúng ta. (Ảnh: iStock) |
Bà Woodruff nhận định: "Việc phát hiện vi nhựa trong các cơ quan quan trọng như não, tinh hoàn và thậm chí là nhau thai khi em bé còn trong bụng mẹ là một dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại."
Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu hiện nay chủ yếu mang tính quan sát, có nghĩa là chưa thể chứng minh trực tiếp rằng vi nhựa là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe này.
Dù vậy, bà Woodruff cho biết hệ sinh học của các loài động vật được nghiên cứu rất tương đồng với con người, và dữ liệu từ nghiên cứu trên động vật đã được sử dụng nhiều thập kỷ để xác định các chất gây ung thư và độc hại cho hệ sinh sản.
Vi nhựa có thể mang theo một loạt hợp chất hóa học độc hại và bản chất phức tạp của nó làm tăng nguy cơ xâm nhập các chất độc hại khác vào cơ thể, một hiện tượng được gọi là “hiệu ứng Con ngựa thành Troy.”
Liên minh các nhà khoa học vì hiệp ước về nhựa hiệu quả cho biết trong số hơn 16.000 hóa chất sử dụng trong nhựa thương mại, hơn 1/4 được coi là nguy hại cho sức khỏe, có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như vô sinh, béo phì, tiểu đường, các bệnh tim mạch và nhiều loại ung thư khác.
Việc vi nhựa gây hại đến mức độ nào còn phụ thuộc vào mức độ con người tiếp xúc với chúng.
Quỹ Động vật hoang dã thế giới (WWF) từng gây xôn xao với báo cáo năm 2019 rằng con người tiêu thụ khoảng 5 gram nhựa mỗi tuần, tương đương một chiếc thẻ tín dụng. Tuy nhiên, phương pháp và kết quả của báo cáo này đã bị tranh cãi, và nhiều nghiên cứu khác ước tính lượng nhựa tiêu thụ thấp hơn đáng kể.
Các nghiên cứu về tác động của vi nhựa đến sức khỏe con người được thực hiện từ sau năm 2000. Nhà nghiên cứu Muriel Mercier-Bonin thuộc Viện INRAE Pháp cho biết: “Dù đề tài còn mới và tồn tại những hạn chế, nhưng những nguy cơ liên quan đến việc tiếp xúc và hít thở vi nhựa đã hiện hữu.”
|
|
Nước đóng chai nhựa được bày bán tại cửa hàng ở New York, Mỹ. (Ảnh: Getty Images/TTXVN) |
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), thực tế là sản lượng nhựa đã tăng gấp đôi trong 20 năm qua và dự kiến có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2060.
Trong nỗ lực tìm kiếm giải pháp, Liên hợp quốc đã nhất trí hướng tới một hiệp ước toàn cầu đầu tiên nhằm giảm thiểu ô nhiễm nhựa, với cuộc họp bàn thảo cuối cùng sẽ diễn ra vào tháng tới.
Các chuyên gia cũng khuyến nghị người dân hạn chế tiếp xúc với vi nhựa, bằng cách tránh sử dụng chai nhựa, không hâm nóng thức ăn trong hộp nhựa, chọn quần áo làm từ chất liệu tự nhiên và thường xuyên thông gió trong nhà.
Việc bảo vệ sức khỏe của chính chúng ta và môi trường từ hiểm họa vi nhựa là một nhiệm vụ cấp bách. Những nghiên cứu vẫn đang tiếp diễn, nhưng để không phải trả giá quá đắt cho môi trường và sức khỏe con người, hành động ngay từ hôm nay là điều không thể chần chừ./.
Theo vietnamplus