leftcenterrightdel
 Bệnh nhân Mike Camilleri từng bị COVID-19 nhẹ nhưng đến nay anh vẫn gặp tình trạng COVID-19 kéo dài như tăng huyết áp nguy hiểm, nhịp tim tăng nhanh khi gắng sức nhẹ và các cơn đau ngực dữ dội - Ảnh: Angie Wang/AP

Hôm 9/8, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Medicine, có gần 400 triệu người vẫn đang phải chịu ảnh hưởng của bệnh COVID-19 kéo dài trong vòng 4 năm kể từ khi căn bệnh này được xác định lần đầu tiên.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, ngoài việc những bệnh nhân phải chịu đựng căn bệnh kéo dài với rất nhiều triệu chứng khác nhau thì chi phí chăm sóc sức khỏe cũng như tổn hại về kinh tế do người mắc COVID-19 kéo dài không thể quay lại làm việc... là khoảng 1.000 tỉ USD trên toàn cầu mỗi năm, tương đương 1% GDP toàn cầu.

Bên cạnh đó, khoảng 6% người trưởng thành trên toàn thế giới đã mắc các triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài; nhiều người vẫn chưa phục hồi hoàn toàn và việc điều trị căn bệnh này vẫn là một trong những thách thức lớn nhất.

Một trong những tác giả nghiên cứu - Ziyad Al-Aly, Giám đốc nghiên cứu và phát triển tại Hệ thống chăm sóc sức khỏe VA St. Louis và là nhà dịch tễ học lâm sàng tại Đại học Washington ở St. Louis - cho biết báo cáo này cũng nhằm mục đích cung cấp lộ trình cho các ưu tiên về chính sách và nghiên cứu hiện tại và tương lai.

Al-Aly đã viết bài báo này cùng với một số nhà nghiên cứu hàng đầu khác về COVID-19 và 3 nhà lãnh đạo của Patient-Led Research Collaborative, một tổ chức được thành lập bởi những bệnh nhân COVID-19 kéo dài, đồng thời cũng là các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp.

Theo phụ nữ TPHCM