leftcenterrightdel
Người dân đeo khẩu trang ở Tokyo. (Nguồn: Kyodo) 

Nhân viên y tế ở miền Trung Nhật Bản đang cảnh giác khi "làn sóng thứ 11" của các ca mắc COVID-19 và cái nóng mùa Hè dữ dội đồng thời tấn công đất nước, khiến việc phân biệt ngay lập tức giữa say nắng (còn gọi là sốc nhiệt) và các triệu chứng COVID-19 trở nên khó khăn.

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, "những ngày cực kỳ nóng", khi nhiệt độ lên tới 35 độ C trở lên, đã được ghi nhận ở nhiều khu vực tại các tỉnh Aichi và Gifu ở miền Trung Nhật Bản kể từ cuối tháng 7 và cảnh báo sốc nhiệt đã được ban hành hàng ngày.

Viện nghiên cứu y tế công cộng thành phố Nagoya ở tỉnh Aichi đã yêu cầu 23 cơ sở y tế ở Nagoya điều tra các mẫu bệnh phẩm từ những bệnh nhân bị mắc COVID-19.

Tính đến ngày 25/7, chủng virus đột biến KP.3 đã chiếm khoảng 80% các trường hợp. KP.3 có khả năng trốn tránh miễn dịch và khả năng lây nhiễm cao hơn các chủng thông thường.

Ông Shinichiro Shibata, Trưởng khoa vi sinh của viện nghiên cứu, nói rằng: "Có thể giảm nguy cơ bằng cách đeo khẩu trang và rửa tay. Tuy nhiên, đeo khẩu trang trong thời tiết nóng bất thường này có thể dẫn đến say nắng, vì vậy chúng ta phải tùy thuộc vào quyết định của từng cá nhân"

Theo ông Shibata, dường như một số người bị nghi ngờ sốc nhiệt đã đến các cơ sở y tế để điều trị nhưng cuối cùng phát hiện mình đã mắc COVID-19. Ngay cả khi nghi ngờ sốc nhiệt, các biện pháp bảo vệ chống lại virus không thể được nới lỏng.

Trưởng phòng cấp cứu y tế của sở cứu hỏa, ông Konosuke Ichihara giải thích khó có thể nhận biết được cơn sốt là do say nắng hay do COVID-19 trừ khi bệnh nhân đến cơ sở y tế.

Đội ứng phó cấp cứu y tế đang coi tất cả bệnh nhân là những người có khả năng bị nhiễm bệnh. Do có kinh nghiệm trước đây với các đợt bùng phát bệnh lao, họ đeo khẩu trang N95 có khả năng bảo vệ cao. Kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19, kính bảo hộ của họ đã được thay đổi thành loại che toàn bộ mắt.

Hằng năm, tháng 7 là thời điểm chứng kiến số ca cấp cứu y tế cao nhất tại Nhật Bản. Sở cứu hỏa Nagoya tăng cường công tác chuẩn bị khi dự kiến sẽ có một số lượng lớn người có thể phải nhập viện do sốc nhiệt, chẳng hạn như vào những ngày cực kỳ nóng. Vào ngày 22 và 23/7 năm nay, số lượng đội cấp cứu đã tăng từ 49 lên 53.

Số ca mắc mới COVID-19 trung bình được báo cáo từ các cơ sở y tế cố định trong tuần từ ngày 15 đến ngày 21/7 là 20,82 ca tại mỗi cơ sở ở tỉnh Aichi và 17,45 ca tại tỉnh Gifu, cả hai đều tăng gấp đôi so với hai tuần trước đó./.

Theo vietnamplus