Chị Nguyễn Hương Lan (Hà Nội) chia sẻ, chị 25 tuổi mang bầu được hơn 8 tuần. Tuy nhiên trong thời gian này, chị thấy mình ra máu, mặc dù chị không thấy đau bụng hay bất cứ một biểu hiện bất thường nào.
“Mẹ chồng em bảo ra máu hiện tượng dọa sảy thai nên bắt em nằm trên giường tránh cử động. Hiện tại em rất lo lắng việc ra chút máu trong thời kỳ này có nguy hiểm không và em phải làm gì. Mong bác sĩ tư vấn giúp em, em xin cảm ơn!”, chị Lan bày tỏ.
Trao đổi về vấn đề này, ThS. BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chia sẻ, sức khỏe thai kỳ là điều mà mẹ bầu nào cũng đặt ưu tiên lên hàng đầu. Tuy nhiên, dù chúng ta có ăn uống đủ chất, tập thể dục đều đặn, có lối sống khoa học nhưng 9 tháng mang thai không phải lúc nào cũng “xuôi dòng bén giọt” như nhiều mẹ vẫn nghĩ.
Có rất nhiều những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong từng quý thai kỳ mà chúng ta không thể nói trước được. Những triệu chứng này hầu hết đều khá nguy hiểm và mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được khám chữa kịp thời.
Bác sĩ Thành thăm khám cho bệnh nhân
Theo một nghiên cứu, sảy thai là tình trạng kết thúc thai nghén trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Ước tính cứ 5 thai phụ thì 1 người bị sẩy. Hầu hết các trường hợp (hơn 80%) sẩy thai xảy ra trong vòng 12 tuần lễ đầu.
3 dấu hiệu mẹ bầu cần đi khám ngay
Trong nhiều năm làm nghề công tác tại phòng cấp cứu phụ sản Trung ương, bác sĩ Thành gặp không ít trường hợp nhiều mẹ bầu còn thờ ơ với những dấu hiệu rõ ràng. Cuối cùng chính sự thiếu hiểu biết của họ lại làm ảnh hưởng đến thai nhi, thậm chí khiến thai bị hỏng.
Thực tế, khi mang thai, nếu có bất kỳ phản ứng, biểu hiện khó chịu nào, không được bỏ qua mà phải cực kỳ chú ý. Dưới đây là 3 dấu hiệu mẹ bầu cần phải quan tâm, đi khám nếu xuất hiện.
Thứ nhất, các mẹ bầu bị đau bụng. Theo bác sĩ Thành, hiện tượng này có thể do cơn gò tử cung hoặc nhiễm trùng như nhiễm khuẩn tiết niệu.
Thứ hai, mẹ bầu ra máu trong quá trình mang thai.
“Ra máu đi kèm 2 vấn đề. Thứ nhất là sảy thai. Thứ hai, nếu thai nhi lớn hơn có thể bị dọa đẻ non. Do đó, nếu ra máu, các mẹ bầu phải đi khám thai sớm”, bác sĩ Thành khuyến cáo.
Mẹ bầu đau bụng, ra máu, thai nhi nhịp đập thấp phải đến gặp ngay các bác sĩ để được thăm khám (Ảnh minh họa)
Thứ 3, thai nhi có dấu hiệu nhịp đập thấp.
Bác sĩ Thành cho hay, nhiều mẹ bầu chủ quan khi thấy thai nhi có dấu hiệu nhịp đập ít và cho rằng không có vấn đề gì.
“Trong thực tế khám chữa bệnh, chúng tôi nhận thấy có một vài trường hợp thai nhi đập ít, vài hôm sau có thể dẫn tới tình trạng mất tim thai. Do đó, mẹ bầu khi thấy tim thai đập ít không được chủ quan, phải đến khám sản phụ khoa sớm”, vị bác sĩ nói.
Lời khuyên để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn
Theo bác Thành, để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho đến khi mẹ tròn con vuông, người mẹ nên:
- Khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ.
- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt lành mạnh trong thai kỳ.
- Quan tâm đến biểu hiện cơ thể, quan sát cử động thai nhi hàng ngày để nhanh chóng phát hiện bất thường.
- Những người mẹ có nguy cơ trước đó cần phải trao đổi với bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm để có thể chuẩn bị và ứng phó kịp thời trong mọi tình huống xấu nhất.
Theo giadinhonline.vn