|
|
Nhiều quan điểm sai lầm của bà bầu có thể ảnh hưởng sức khỏe người mẹ và em bé. Ảnh: Parents. |
Khi mang thai, cơ thể phụ nữ thay đổi rất nhiều. Từ việc thay đổi nồng độ hormone đến cân nặng, ngực và các bộ phận khác của cơ thể, rất nhiều điều có thể xảy ra.
Đồng thời, khi mang thai, cơ thể cũng đòi hỏi rất nhiều từ bạn. Bạn phải hy sinh và chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận thức được đầy đủ những điều nên làm, không nên khi mang thai. Do đó, đối với những ai mong đợi hoặc đang mang thai, dưới đây là những sai lầm phổ biến trong giai đoạn nhạy cảm này mà phụ nữ cần tránh.
Không kiểm soát tốt chế độ ăn uống
Theo Fox News, nghiên cứu được đăng trên tạp chí Obstetrics & Gynecology cho biết gần 50% số phụ nữ mang thai tăng nhiều hơn mức cân nặng được khuyến nghị trong thai kỳ. Điều đó có thể tạo ra tất cả rủi ro sức khỏe và chắc chắn khiến việc ăn kiêng sau sinh trở nên khó khăn hơn. Điều này thông thường là do phụ nữ nghĩ rằng có thể chấp nhận được việc tăng gấp đôi số calo hấp thụ khi mang thai vì họ đang "ăn cho hai người". Nhưng điều đó không chính xác.
Phụ nữ thừa cân khi mang thai có nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, sinh non, sinh con nhẹ cân, tiểu đường thai kỳ, huyết áp cao và ngưng thở khi ngủ. Ngoài ra, trẻ sinh ra từ những bà mẹ béo phì cũng có nhiều khả năng bị dị tật bẩm sinh và nguy cơ béo phì sau này.
Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng Mỹ khuyến nghị phụ nữ có chỉ số cơ thể bình thường nên nạp thêm 340 calo mỗi ngày trong 3 tháng giữa thai kỳ và thêm 450 calo mỗi ngày trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu mang đa thai hoặc thừa cân khi mang thai, bạn nên trao đổi với bác sĩ về kế hoạch dinh dưỡng phù hợp với bạn.
|
|
Nhiều bà bầu ăn không kiểm soát vì nghĩ cần ăn cho 2 người. Ảnh: Parentsworld. |
Tránh quan hệ tình dục
Trừ khi bác sĩ cảnh báo vì vấn đề y tế nào khiến bạn không nên quan hệ tình dục khi mang thai, không có lý do gì để tránh xa nó. Thậm chí gần đến kỳ sinh, quan hệ tình dục thực sự có thể hỗ trợ quá trình chuyển dạ.
Bạn có thể lựa chọn những tư thế thoải mái khi quan hệ tình dục. Điều quan trọng là tránh nằm ngửa vì nó có thể gây áp lực lên tĩnh mạch chủ - tĩnh mạch trong máu cung cấp máu cho tim.
Tránh tiêm chủng
Phụ nữ mang thai thường tránh tiêm phòng, bao gồm cả vaccine phòng cúm theo mùa vì lo ngại liệu nó có an toàn cho em bé hay không. Tuy nhiên, tiêm phòng là phương pháp hiệu quả nhất để tránh bệnh cúm mà phụ nữ mang thai có nguy cơ mắc phải.
Trên thực tế, một nghiên cứu trên tạp chí Pediatrics cho thấy 90% phụ nữ không tiêm vaccine cúm, nhưng trẻ sơ sinh của những bà mẹ đã tiêm giảm được 70% nguy cơ mắc bệnh cúm.
Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh của những bà mẹ được chủng ngừa cúm trong 3 tháng cuối thai kỳ ít có khả năng phải nhập viện vì bệnh hô hấp trong 6 tháng đầu sau khi được sinh ra là 33%.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng khuyến cáo phụ nữ nên chủng ngừa ho gà trong 3 tháng cuối của thai kỳ để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ mắc bệnh trước khi con được tiêm phòng lúc 2 tháng tuổi.
Bỏ bữa
Theo India Times, chán ăn và buồn nôn khi mang thai là điều bình thường. Sở thích ăn uống của bạn cũng có thể thay đổi trong thời gian này. Tuy nhiên, bỏ bữa có thể không tốt cho sức khỏe, đặc biệt trong vài tháng đầu thai kỳ. Đây là thời điểm quan trọng để các cơ quan quan trọng của em bé được hình thành và phát triển. Vì vậy, bạn phải tăng cường nhu cầu về một số khoáng chất và chất dinh dưỡng.
Tự dùng thuốc, vitamin bổ sung
Trong thời kỳ mang thai, phụ nữ có thể gặp một số vấn đề về sức khỏe bao gồm đau cơ, đầy hơi, các vấn đề về đường tiêu hóa... Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn nên tự mua thuốc. Bạn phải hạn chế sử dụng thuốc kháng axit, paracetamol hoặc thậm chí là kem trị mụn khi mang thai.
Tự dùng thuốc không kê đơn hay sử dụng liệu pháp chăm sóc sắc đẹp khắc nghiệt có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ, dẫn đến những bất thường bẩm sinh ở trẻ.
Ngoài ra, việc bổ sung vitamin trước khi sinh đúng liều lượng và đúng tần suất là phần rất quan trọng đối với sức khỏe thai kỳ và sức khỏe của thai nhi đang phát triển. Tuy nhiên, việc nạp thêm vitamin cùng các chất bổ sung thảo dược không kê đơn thực sự có thể gây ra nguy cơ cho em bé.
Bất cứ khi nào cảm thấy không ổn, bạn hãy gọi cho bác sĩ và hỏi ý kiến về việc bạn có cần dùng thuốc hay không. Phụ nữ mang thai chỉ uống thuốc khi được bác sĩ kê.
|
|
Tự ý sử dụng thuốc khi mang thai có thể gây hại đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Ảnh: Thedomains. |
Lo lắng về việc tăng cân
Tăng cân khi mang thai là bình thường khi bạn đang ăn uống lành mạnh, không có bất kỳ giới hạn nào và mức độ hormone trong cơ thể thay đổi liên tục. Điều đó nói rằng không có lý do gì để lo lắng về việc tăng cân.
Căng thẳng, lo lắng sẽ chỉ khiến mọi thứ tồi tệ hơn cho bạn và em bé, đó là lý do giữ tâm trí bình tĩnh, tham gia các hoạt động thư giãn, ăn uống lành mạnh có thể giúp giảm căng thẳng cho bà bầu.
Ngừng tập thể dục
Tập thể dục rất tốt cho sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Nhưng nhiều phụ nữ có xu hướng tránh tập thể dục khi mang thai vì sợ làm tổn thương bản thân hoặc em bé. Tuy nhiên, thực tế, tập thể dục rất tốt cho sức khỏe của cả 2 mẹ con.
Để đảm bảo bạn tập thể dục an toàn, bạn nên thảo luận về kế hoạch tập thể dục và phương án tập luyện cho mình với bác sĩ. Ngoài việc nên hạn chế lao động nặng nhọc, các bài tập nhẹ và đi bộ có thể có lợi cho sức khỏe của bạn và em bé. Mang thai không có nghĩa là bạn cần phải có một lối sống ít vận động. Thay vào đó, bạn nên khiến mình trở nên năng động hơn.
Theo zingnews