|
|
Sỏi mật là căn bệnh khó tránh khi mang thai. Ảnh:Shutterstock. |
Healthnews thông tin sỏi mật là những chất cặn cứng của dịch mật - một chất lỏng tiêu hóa được túi mật tiết vào ruột non. Thông thường, bùn túi mật sẽ phát triển trước sỏi và không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nguy hiểm nào cho đến khi tình trạng này tiến triển đáng kể trong vài năm. Theo thống kê, có 90% ca bệnh sỏi mật là sỏi cholesterol.
Dịch mật là một chất lỏng tiêu hóa được sản xuất trong gan và lưu trữ trong túi mật, sau đó nó được đổ vào ruột non khi quá trình tiêu hóa diễn ra. Dịch mật giúp chuyển hóa cholesterol và chất béo thành các phân tử nhỏ hơn để cơ thể sử dụng hoặc loại bỏ.
Do đó, các vấn đề về túi mật bắt đầu phát sinh khi có quá nhiều cholesterol được đưa vào cơ thể. Cholesterol dư thừa sẽ phát triển dưới dạng tinh thể (bùn túi mật) và theo thời gian sẽ tạo thành sỏi. Cuối cùng, các triệu chứng diễn ra khi bùn hoặc sỏi bắt đầu gây tắc nghẽn ống dẫn mật chảy vào ruột non.
Sỏi mật và phụ nữ mang thai
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ có khả năng phát triển sỏi mật cao gần gấp đôi so với nam giới. Tỷ lệ này chủ yếu là do sự thay đổi nội tiết tố nữ và mang thai làm tăng nguy cơ phát triển sỏi mật cao hơn. Bên cạnh đó, bệnh túi mật còn là nguyên nhân phổ biến khiến nhiều phụ nữ nhập viện sau sinh.
Trong thời kỳ mang thai, bùn túi mật hoặc sỏi mật thường bắt nguồn từ 2 quá trình chính. Đầu tiên, estrogen làm tăng sự hình thành cholesterol trong gan. Tiếp đó, hormone progesterone tạo ra sự giãn cơ trơn và dẫn đến giảm nhu động túi mật.
Đa phần thai phụ sẽ không có triệu chứng khi bị bệnh (từ 5 đến 36%), tuy nhiên, một số vẫn có thể bị các triệu chứng hoặc biến chứng trong quá trình điều trị.
Theo ước tính, tỷ lệ phụ nữ mang thai bị sỏi mật rơi vào khoảng 1,2% đến 6,3%. Trong thời kỳ hậu sản, khi nồng độ estrogen ổn định và nhu động túi mật được phục hồi, bùn và sỏi mật có thể biến mất mà không để lại triệu chứng hoặc cần can thiệp.
Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy nguy cơ phát triển sỏi mật sẽ tăng lên sau mỗi lần mang thai. Cụ thể, lần đầu là 5,1%, lần hai 7,6% và lần ba là 12,3%.
|
|
Nôn mửa là một trong những triệu chứng của sỏi mật. Ảnh:Cabot Health. |
Nguyên nhân gây ra sỏi mật khi mang thai
Việc tăng estrogen và giảm nhu động túi mật được xem là 2 nguy cơ mắc sỏi mật mà thai phụ khó tránh khỏi. Không những vậy, sử dụng thuốc tránh thai khi phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ cũng có thể làm tăng khả năng bị sỏi mật.
Ngoài ra, các yếu tố rủi ro khác liên quan đến thai kỳ là: tăng cân hoặc béo phì; chế độ ăn nhiều cholesterol và chất béo; kháng insulin, bao gồm hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và tiểu đường thai kỳ; những thay đổi trong hệ vi sinh đường ruột; thay đổi chức năng miễn dịch; tăng số lần mang thai (những người có 4 lần mang thai trở lên có nguy cơ bị sỏi mật cao gấp 4-25 lần), cũng khiến thai phụ mắc sỏi mật.
Triệu chứng và cách điều trị sỏi mật
Các triệu chứng thường gặp khi thai phụ mắc sỏi mật bao gồm: vàng da hoặc mắt, choáng váng hoặc chóng mặt, nước tiểu đậm, sốt, nôn mửa, đau quặn mật.
Hiện tại, có 2 phương pháp điều trị sỏi mật là kiểm soát hỗ trợ và phẫu thuật. Bên cạnh đó, thai phụ cũng có thể thay đổi chế độ ăn uống để giảm nguy cơ mắc sỏi mật trong thời kỳ mang thai và hậu sản. Mục đích của những biện pháp này là hạn chế lượng cholesterol và axit béo trong chế độ ăn uống, đồng thời tăng cường lựa chọn thực phẩm lành mạnh cho thai phụ.
Theo Healthnews, thai phụ cần cân nhắc thực hiện một số điều sau để giảm nguy cơ mắc sỏi mật: ăn thực phẩm giàu chất xơ như rau, trái cây, đậu và ngũ cốc nguyên hạt; giảm lượng đường dung nạp vào cơ thể; hạn chế chất béo không lành mạnh có trong đồ chiên rán và món tráng miệng; bổ sung sắt; uống 2 ly cà phê mỗi ngày; bổ sung vitamin C (do chúng có tác dụng chống lại sự hình thành sỏi mật).
Trong trường hợp mắc sỏi mật, thai phụ không nên quá lo lắng vì sỏi mật không gây hại cho thai nhi. Tuy nhiên, các triệu chứng của sỏi mật vẫn có thể ảnh hưởng đến thai kỳ như gây ra sốt và nôn mửa dẫn đến mất nước cũng như khó ăn uống.
Theo zingnews