leftcenterrightdel
 Linea nigra (đường nâu) là đường tăng sắc tố, được tìm thấy trên bụng ở phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai. Ảnh:Cosmopolitan.

Khi bào thai phát triển ở trong tử cung, cơ thể người mẹ cũng trải qua những biến đổi về miễn dịch, nội tiết, mạch máu. Trong đó, những thay đổi về da rất thường gặp (khoảng 90% phụ nữ) và gây ảnh hưởng nhiều tới thẩm mỹ.

Thay đổi sắc tố

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thảo Nhi, Bệnh viện Da Liễu Trung ương, Hà Nội, cho biết tăng sắc tố là thay đổi về da thường gặp nhất trong thai kỳ. Đây là kết quả của sự tăng nồng độ hormone MSH, estrogen và progesterone. Estrogen làm tăng sản xuất melanin thông qua các tế bào hắc tố. Tác động của estrogen được tăng cường bởi progesterone.

Tăng sắc tố thường bắt đầu ở 3 tháng đầu của thai kỳ. Chúng xuất hiện ở những nơi đã có sắc tố từ trước khi mang thai, đặc biệt là núm vú, quầng vú và vùng sinh dục.

Linea nigra (đường nâu) là đường tăng sắc tố, được tìm thấy trên bụng ở phụ nữ mang thai trong tam cá nguyệt thứ hai. Đường dọc này thường chạy từ xương mu đến rốn, nhưng có thể lên đến ngực và biến mất sau khi sinh vài tháng. Đường nâu thường đi kèm với sự dịch chuyển của rốn sang bên phải, được gọi là “dấu hiệu dây chằng teres”.

Bên cạnh đó, khoảng 45-75% phụ nữ có thai xuất hiện rám má (hay còn gọi là nám má). Nám có thể ở khắp mũi, má, trán. Những phụ nữ da sáng và tiếp xúc với ánh sáng nhiều dễ bị hơn. Nám da có thể giảm dần vài tháng sau sinh nhưng đôi khi lại tồn tại vĩnh viễn.

Tàn nhang, nốt ruồi, những vết sẹo mới hình thành cũng tăng sắc tố hơn trong thai kỳ. Thậm chí, chúng còn phát triển lớn hơn.

leftcenterrightdel
 Khoảng 45-75% phụ nữ có thai xuất hiện rám má. Ảnh:Urbanasia. 

Tăng sắc tố da toàn thân có thể gặp ở những phụ nữ có type da theo phân loại của Fitzpatrick thuộc nhóm 1 hoặc 2. Tình trạng tăng sắc tố da thường giảm dần vài tháng sau sinh nhưng đôi khi lại tồn tại vĩnh viễn.

Thay đổi ở lông, tóc và móng

Theo bác sĩ Thảo Nhi, tình trạng rậm lông mức độ nhẹ đến trung bình cũng được nhận thấy trong thời kỳ mang thai. Sau khi kết thúc thai kỳ, các nang tóc sẽ nhanh chóng đi vào giai đoạn ngừng phát triển, tiếp theo là thoái triển.

Sự rụng tóc tăng lên rõ ràng trong 6-16 tuần sau sinh, đặc biệt ở vùng trán và thái dương. Một số trường hợp có thể rụng tóc toàn thể. Quá trình phục hồi tự nhiên của tóc mất từ 3-12 tháng sau sinh.

Một số phụ nữ lại có tình trạng rụng tóc nhiều trong thai kỳ do thay đổi nội tiết tố, cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, vitamin, máu da đầu…

Khi mang thai, móng có thể bị giòn, có rãnh khía hoặc tách móng ở cuối gốc (còn gọi là bong móng). Bội nhiễm nấm móng có thể xảy ra. Bạn cần chăm sóc móng đúng cách, tránh các yếu tố gây mẫn cảm móng. Tình trạng này sẽ cải thiện sau sinh.

Thay đổi các tuyến

Khi mang thai, chức năng của tuyến mồ hôi nước eccrin tăng lên, gây nổi các sẩn nhỏ gọi là miliaria. Chúng tăng tiết mồ hôi, làm nặng thêm bệnh tổ đỉa trong thai kỳ. Bên cạnh đó, việc suy giảm chức năng tuyến mồ hôi dầu apocrine làm nhẹ hơn tình trạng bệnh fox-fordyce (các hạt đốm bã nhờn màu trắng xuất hiện lốm đốm trên môi hay bộ phận sinh dục ), viêm tuyến mồ hôi mủ.

"Các tuyến bã hoạt động mạnh hơn ở phụ nữ có thai, làm tăng kích thước tuyến montgomery vùng núm vú, nặng hơn tình trạng trứng cá, viêm nang lông. Ngoài ra, trứng cá xuất hiện hoặc nặng hơn trong thời kỳ mang thai còn do ảnh hưởng của nội tiết và hạn chế việc dùng thuốc điều trị", bác sĩ Thảo Nhi nói.

Thay đổi của mô liên kết

50-90% phụ nữ có thai xuất hiện rạn da trong thai kỳ. Các vết rạn da thường phát triển vào nửa sau của thai kỳ với biểu hiện là những vết màu đỏ sáng hoặc đỏ tím.

Phần lớn vết rạn khu trú ở vùng bụng dưới nhưng cũng có thể thấy tại đùi, mông, hông, vú và cánh tay. Các vết rạn thường không đau nhưng sự căng và duỗi ra của da nên có thể gây cảm giác ngứa, châm chích.

leftcenterrightdel
 50-90% phụ nữ có thai xuất hiện rạn da trong thai kỳ. Ảnh:Ensonhaber. 

Các yếu tố liên quan hình thành vết rạn là tiền sử rạn da từ trước, có mẹ từng bị, tăng cân nhanh. Ngoài ra, chúng còn liên quan chủng tộc (phụ nữ châu Phi thường hay bị hơn rạn hơn phụ nữ chủng tộc khác). Sau khi sinh, các vết rạn thường mờ đi thành màu bạc trắng, dần teo da, lõm xuống và tồn tại rất lâu.

Nhìn chung, những loại kem bôi chống rạn hiện nay chưa tỏ ra hiệu quả trong dự phòng hình thành vết rạn. Hạn chế tăng cân quá mức trong thai kỳ, sử dụng kem dưỡng ẩm làm dịu da được xem là các biện pháp giúp hạn chế rạn.

Các thay đổi về mạch máu

Khi mang thai, các mạch máu nhỏ và mao mạch sẽ tăng sinh. Phần lớn các mạch máu đều to hơn để cung cấp nhiều máu hơn. Sự tăng tiết hormone tuyến yên, tuyến thượng thận và nhau thai kích thích sự phát triển mạch máu. Đặc biệt, rau thai là một nguồn phong phú của yếu tố tăng trưởng nguyên bào sợi, tạo mạch chính trong thai kỳ.

Bác sĩ Bệnh viện Da Liễu Trung ương cho hay khoảng 50% phụ nữ có thai thấy giãn mạch hình mạng nhện ở mặt, cổ. Ngoài ra, chúng cũng có thể thấy ở ngực, bàn tay hay chân. Ban đỏ lòng bàn tay được nhận thấy ở 2/3 phụ nữ da trắng và 1/3 phụ nữ da đen.

Ngoài ra, một số trường hợp có hiện tượng lợi đỏ và dễ chảy máu, thậm chí nhú lợi phì đại trong thai kỳ. Khoảng 40% phụ nữ có thai có giãn tĩnh mạch chi dưới do các thay đổi của mạch máu và áp lực đè nén của thai nhi lên tĩnh mạch chậu.

Hiện tượng này thường xảy ra vào 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Ngoài ra, sự thay đổi nhanh chóng, thất thường của các mạch máu nhỏ có thể gây nên hiện tượng mặt đỏ hay nhợt nhạt, nóng hay lạnh, phát ban.

Theo zingnews