Các chuyên gia Nhi khoa nhận định, tình trạng trẻ biếng ăn do thiếu vi chất đa số là do thiếu kẽm. Theo cuộc tổng điều tra dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia năm 2019 - 2020 có đến 58% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm, cứ 3 trẻ có một trẻ thiếu sắt, đặc biệt thiếu sắt thường đi đôi thiếu kẽm và ngược lại.
Trẻ thiếu vi chất dinh dưỡng này khiến các tế bào da, tế bào niêm mạc dễ bị kết dính, sừng hóa. Từ đó làm giảm khả năng cảm nhận hương vị, khiến trẻ ăn không ngon miệng, chán ăn, chậm lớn, còi cọc.
Trẻ thiếu kẽm thường có 4 biểu hiện trên cơ thể
Theo BS Đoàn Hải Đăng (từng làm việc tại Bệnh viện Sản Nhi Thanh Hóa), trẻ thiếu kẽm có thể dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc trong phát triển thể chất lẫn tinh thần, đặc biệt là phát triển chiều cao, chỉ số IQ. Một số dấu hiệu chứng tỏ con bạn đang bị thiếu kẽm cần can thiệp sớm, đó là:
1. Tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài
BS Đăng nhận định, trẻ gặp vấn đề ở đường tiêu hóa kéo dài như tiêu chảy hoặc táo bón thường là do thiếu kẽm.
Nguyên nhân bởi, khi thiếu kẽm, sự phân chia tế bào sẽ khó xảy ra bình thường, hệ miễn dịch bị suy yếu. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hệ tiêu hóa, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa ở trẻ. Từ đó gây rối loạn tiêu hóa. Cụ thể là tiêu chảy hoặc táo bón kéo dài.
2. Xuất hiện nốt lở loét, mụn nhọt, vết thương ngoài da lâu lành
Xuất hiện vết lở loét, mụn nhọt là chuyện không hiếm gặp ở trẻ nhỏ. Nhưng nếu những vết loét, mụn nhọt lâu lành thì coi chừng, trẻ dễ thiếu kẽm.
Nhất là vết thương tầm thường ngoài da lâu lành. Vết thương nào cũng cần thời gian để hồi phục. Tuy nhiên, chuyện gì cũng có giới hạn. Vết thương tầm thường ngoài da nếu lâu lành thường là do thiếu dưỡng chất, không kịp bổ sung dưỡng chất kịp thời. Cụ thể, thường thấy nhất là thiếu kẽm.
3. Thường xuyên bị ốm
Trẻ con thường hay ốm. Thế nhưng việc bị ốm một cách liên tục, thường xuyên, đặc biệt mỗi lần ốm thì kéo dài, nặng hơn so với các bé khác, chứng tỏ con bạn bị thiếu kẽm. Đây là biểu hiện rõ nét nhất ở hệ miễn dịch của một đứa trẻ thiếu kẽm.
Nguyên nhân bởi, thiếu kẽm làm ảnh hưởng đến các chức năng sinh lý trong cơ thể con người. Sau khi chào đời, trẻ nhận được một lượng kháng thể miễn dịch từ sữa mẹ. Trong quá trình lớn lên, hệ miễn dịch của trẻ dần dần hoàn thiện. Trẻ rất dễ bị tác động bởi những thay đổi từ bên ngoài môi trường. Trẻ có hệ miễn dịch kém tức là ít có khả năng chống lại tác nhân gây bệnh từ bên ngoài nên sẽ hay bị ốm hơn.
4. Ngủ kém, hay quấy khóc đêm
BS Đăng khẳng định, trẻ thiếu kẽm thường ngủ kém, hay quấy khóc đêm. Kẽm là nguyên tố vi lượng cần thiết cho cơ thể. Chúng thúc đẩy phát triển chiều cao, cân nặng. Đồng thời cũng cần thiết cho sự phát triển não bộ, đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn truyền thần kinh…
Do đó, khi thiếu kẽm, trẻ không chỉ chậm tăng trưởng, suy dinh dưỡng, giảm ăn, rối loạn tiêu hóa mà còn khó ngủ về đêm, hay quấy khóc. Trẻ cũng có thể rối loạn vị giác và khứu giác, phản xạ chậm chạp…
Làm theo cách này, cả năm con bạn không lo thiếu kẽm
Theo BS Đoàn Hải Đăng, thông thường, muốn xem con có thực sự thiếu chất gì hay không, thiếu nhiều hay thiếu ít… thì xét nghiệm máu vẫn là điều ưu tiên.
Tuy nhiên, nếu lần nào muốn bổ sung kẽm cho con, mẹ đều đưa con đi xét nghiệm thì cũng khá phiền. Chưa kể hiện nay nhiều dịch bệnh gia tăng, nguy cơ lây nhiễm có thể xảy ra. Lúc này, mẹ nên bổ sung dự phòng kẽm cho con.
"Mỗi năm, mẹ bổ sung kẽm cho con 1-2 đợt, mỗi đợt 1-2 tháng là có thể đảm bảo bé không bị thiếu kẽm", chuyên gia nhận định.
Lưu ý, bé dưới 1 tuổi và bé trên 1 tuổi có thể dùng các loại kẽm khác nhau cho phù hợp với sự phát triển của trẻ. Cha mẹ có thể tham khảo thêm các chuyên gia, bác sĩ Nhi khoa để tìm được loại phù hợp nhất cho con mình.
Tuấn Minh