Đôi tình nhân đeo khẩu trang ngồi trên tàu điện ngầm ở Milan (Ý) ngày 25-2 - Ảnh: Reuters

Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Iraj Harirchi đã nhiễm virus corona trong bối cảnh số ca nhiễm bùng phát nhanh chóng ở quốc gia này. Ông Iraj Harirchi thỉnh thoảng ho và toát mồ hôi trong buổi họp báo hôm thứ hai cùng với phát ngôn viên chính phủ Ali Rabiei. 

"Xét nghiệm cho thấy ông Iraj Harirchi, thứ trưởng Bộ Y tế, dương tính với virus corona" - Alireza Vahabzadeh, cố vấn truyền thông của bộ trưởng y tế Iran, cho biết trên Twitter.

“Tuần này là một thời điểm then chốt để đánh giá liệu dịch sẽ lây lan ra toàn quốc hay không. Giờ là lúc cần các biện pháp phủ đầu và tích cực.                                                                                                               

Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye Kyun (theo Yonhap) 


Từ Iran lây sang Iraq

Ở tỉnh Hồ Bắc (trung tâm bùng phát dịch của Trung Quốc) có số ca nhiễm mới 508 người, dường như đang "ổn", thì số ca nhiễm ở những nơi khác trên thế giới đang tăng nhanh. Đặc biệt là ở Hàn Quốc, Ý, Iran và Nhật Bản - nơi có du thuyền khổng lồ Diamond Princess neo đậu.

Tính đến ngày 25-2, có hơn 2.500 ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc. Số ca tử vong cũng tăng lên, với hơn 30 ca tử vong ở Hàn Quốc, Iran và Ý.

Tính đến nay, Iran đã xác nhận tổng cộng 95 ca nhiễm virus corona chủng mới tại nước này, với 34 trường hợp nhiễm mới được xác nhận trong 24 giờ.

Bộ Y tế Iraq cũng thông báo đã xác nhận thêm 4 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 5 trường hợp. Các bệnh nhân mới là thành viên trong cùng một gia đình và từng có chuyến đi tới Iran. Hôm 24-2, Iraq đã xác nhận trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên là một sinh viên Iran sống tại thành phố Najaf, cách thủ đô Baghdad 160km về phía Nam.

Đồ họa: TẤN ĐẠT

Kiềm chế "ổ dịch"

Để dập dịch, nhà chức trách một số nước dùng các biện pháp mạnh tay nhất ngay tại các "ổ dịch" để ngăn lây lan.

Ở Ý, ít nhất 10 thị trấn trên khắp vùng Lombardy và Veneto tại miền bắc nước này bị cách ly trong vòng hai tuần. Khoảng 50.000 dân ở các thị trấn bị phong tỏa được khuyên ở lại trong nhà, trong khi người ngoài không được phép vào, trừ trường hợp đặc biệt.

Một nhóm chuyên gia thuộc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) đã tới Ý trong ngày 24-2 để hỗ trợ giới chức Ý hiểu rõ về tình hình dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh tại quốc gia Nam Âu này. Trong một tuyên bố trên truyền thông, WHO nêu rõ trong giai đoạn hiện nay, việc hạn chế các ca nhiễm chéo sẽ phải được ưu tiên.

Tiến sĩ Hans Kluge - giám đốc khu vực châu Âu của WHO - cho biết: "SARS-CoV-2 (hay còn gọi là virus corona) là một chủng virus mới mà chúng ta cần coi là nghiêm trọng. Nhiệm vụ tại Ý là một trong những cách mà WHO/châu Âu đang hỗ trợ các nước trong khắp khu vực. Chúng tôi đang nỗ lực với các nước thành viên nhằm đảm bảo rằng họ sẵn sàng đối phó với COVID-19, chuẩn bị cho các ca nhiễm cục bộ có thể xảy ra".

"Ngăn chặn tối đa"

Tại Hàn Quốc ngày 25-2, chính quyền nhất trí áp dụng các biện pháp "ngăn chặn tối đa" ở thành phố Daegu và tỉnh Gyeongbuk, theo kênh KBS World.

Tuy nhiên, chính quyền cũng làm rõ rằng các biện pháp này có nghĩa là tăng cường nỗ lực cách ly, chứ không phải phong tỏa.

Trong tuần này, Chính phủ Hàn Quốc sẽ công bố một gói biện pháp toàn diện để giảm thiểu tác động của COVID-19 lên nền kinh tế.

Ngày 25-2, Nội các Hàn Quốc cũng tán thành kế hoạch đảm bảo nguồn cung khẩu trang ổn định. Theo quy định có hiệu lực từ ngày 26-2 tới 30-4, chính phủ sẽ giới hạn mức xuất khẩu khẩu trang tối đa 10% trong tổng sản lượng.

Các ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận ở hơn 35 quốc gia bên ngoài Trung Quốc vẫn duy trì ở số hàng trăm trong nhiều tuần. Tuy nhiên, đột ngột số ca nhiễm tăng vọt lên khoảng 1.000 hôm 18-2 và giờ đang tăng nhanh “khó hiểu”. 


Theo tuoitre