Sau đây, cô Susan Campbell, chuyên gia dinh dưỡng của Phòng khám nổi tiếng Cleveland Clinic (Mỹ), sẽ giải thích lý do tại sao bạn đừng vứt bỏ râu bắp.

Các nghiên cứu cho thấy râu bắp chứa carbs, chất xơ, các khoáng chất như canxi, sắt, natri, kali, kẽm, clorua và chất đạm, theo Cleveland Clinic.

Lợi ích không ngờ của râu bắp đối với đường huyết và cholesterol- Ảnh 1.

Từ lâu, râu bắp đã được sử dụng như một phương thuốc thảo dược cho mục đích chữa bệnh

Sau đây là 5 lợi ích của râu bắp đối với sức khỏe:

Giữ cho hệ tiết niệu khỏe mạnh

Chiết xuất râu bắp có tác dụng lợi tiểu mạnh, giúp đi tiểu nhiều hơn, từ đó ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng bàng quang.

Trà râu bắp còn được khuyên dùng cho trẻ em đái dầm và người lớn tiểu không tự chủ. Râu bắp cũng có thể ngăn ngừa sỏi thận và bảo vệ thận khỏi bị tổn thương do uống thuốc hoặc điều trị ung thư.

Giảm huyết áp

Đặc tính lợi tiểu của râu bắp cũng có thể giúp giảm huyết áp. Nghiên cứu sơ bộ cho thấy dùng râu bắp cùng với thuốc hạ huyết áp giúp giảm huyết áp nhiều hơn so với dùng thuốc một mình. 

Tuy nhiên, chuyên gia Campbell cảnh báo người đang dùng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc huyết áp có thể có nguy cơ hạ kali nếu dùng râu bắp vì tác dụng kép. Vì vậy, cần phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Ngăn ngừa bệnh tật

Các flavonoid trong râu bắp có tác dụng chống oxy hóa tương đương với vitamin C. Các chất chống oxy hóa này có tác dụng kháng viêm và ngăn ngừa các bệnh như ung thư và tiểu đường, chuyên gia Campbell lưu ý.

Giảm mức đường huyết

Chiết xuất râu bắp là phương pháp quản lý bệnh tiểu đường. Theo nghiên cứu, chiết xuất này có thể làm giảm đường huyết và giúp ngăn ngừa các biến chứng như tổn thương thần kinh do tiểu đường.

Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng chiết xuất râu bắp có thể làm chậm quá trình hấp thụ tinh bột, ngăn ngừa đường huyết tăng đột biến, theo Cleveland Clinic.

Nhưng chuyên gia khuyên người đang dùng thuốc trị tiểu đường nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng vì đường huyết quá thấp cũng có thể nguy hiểm.

Lợi ích không ngờ của râu bắp đối với đường huyết và cholesterol- Ảnh 2.

Các flavonoid trong râu bắp có thể cải thiện lượng mức cholesterol bằng cách giảm chất béo trung tính và cholesterol xấu LDL

Pexels

Cải thiện mức cholesterol

Các flavonoid trong râu bắp có thể cải thiện lượng mức cholesterol bằng cách giảm chất béo trung tính và cholesterol xấu LDL. Chuyên gia Campbell giải thích: Những dạng cholesterol không lành mạnh này gây hình thành mảng bám bên trong động mạch làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.

Nghiên cứu sơ bộ cho thấy râu bắp giúp giảm mức cholesterol và mỡ máu trong máu ở người bị đau thắt ngực.

Cách sử dụng râu bắp

Có thể dùng râu bắp tươi cắt nhỏ để nấu canh hoặc súp.

Cũng có thể phơi khô để làm trà hoặc xay râu bắp khô để làm bột và rắc lên thịt hầm và sinh tố.

Cách làm trà râu bắp:

Cho 2 ly nước (240 ml/ly) và 2 nhúm râu bắp vào nồi, đậy nắp, đun sôi.

Bớt lửa và đun nhỏ lửa trong 10 phút.

Tắt bếp và đậy nắp trong 30 phút.

Lọc bỏ râu bắp và thưởng thức.

Những ai không nên dùng râu bắp?

Chuyên gia Campbell khuyên không nên tiêu thụ râu bắp nếu đang mang thai, cho con bú hoặc đang dùng các loại thuốc như thuốc kháng viêm, thuốc huyết áp, thuốc làm loãng máu, thuốc lợi tiểu và thuốc trị tiểu đường hoặc insulin.

Theo Thanh niên