Kết quả thăm khám bước đầu cho thấy: mắt trái vẫn còn nhìn thấy được 3-4 hàng trong khi mắt phải của N. không đọc được hàng nào trên bảng thị lực! N. kể, em phát hiện mắt phải kém nhưng thấy mắt trái vẫn nhìn "tốt", vì vậy em không chịu đi khám để đeo kính vì lý do bận học, bận thi. Nay thấy cả hai mắt cùng mờ và mỏi nhiều nên em hơi lo lắng.

Đó cũng là vấn đề thường gặp ở những bệnh nhân bị lệch khúc xạ hai mắt như N: mắt phải cận đến gần 4 độ, mắt trái cận nhẹ hơn (dưới 1 độ) nhưng lại kèm theo loạn thị nhiều hơn nên thật ra, thị lực mắt "tốt" của N. cũng chỉ bằng 1/3 của người bình thường.

Lý giải nguyên nhân trẻ “lười” đeo kính và hệ luỵ - Ảnh 1.

 

Lệch khúc xạ - tình trạng nguy hiểm đối với sức khỏe đôi mắt

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Mắt Hitec, lệch khúc xạ là hiện tượng khác nhau về khúc xạ giữa hai mắt, có thể là một mắt bị cận thị còn mắt kia viễn thị hoặc cả hai mắt cùng cận cùng viễn nhưng khác nhau về mức độ. Đôi khi còn gặp những trường hợp một mắt hoàn toàn bình thường còn mắt kia có tật khúc xạ (bị cận, viễn hoặc loạn thị) dẫn đến sự chênh lệch về thị lực của hai mắt: một mắt nhìn rõ, mắt kia nhìn mờ.

Hai mắt tật khúc xạ không đều là tình trạng nguy hiểm đối với sức khỏe đôi mắt: gây rối loạn thị giác hai mắt, rối loạn sự cân bằng vận nhãn (lác) và đặc biệt nó còn là nguyên nhân thứ 2 dẫn đến nhược thị. Khúc xạ hai mắt không đều hay còn gọi là bất đồng khúc xạ là sự chênh lệch khúc xạ 2 mắt từ 2 độ trở lên (có thể là cận, viễn hay loạn thị).

Chênh lệch khúc xạ càng nhiều, nhược thị càng sâu, phát hiện càng muộn càng khó khắc phục. Tuy nhiên, người bị bất đồng khúc xạ hai mắt thường không có triệu chứng rõ ràng nên họ không nhận biết được vấn đề của mình nếu không được che một bên mắt để kiểm tra khi đi khám sàng lọc thị lực thường quy.

Lý giải nguyên nhân trẻ “lười” đeo kính và hệ luỵ - Ảnh 2.

Các chuyên gia của Bệnh viện Mắt Hitec cũng nêu một thực trạng là trẻ em hiếm khi phàn nàn về việc mất/giảm thị lực một bên, mặc dù chúng có thể luôn phải nheo mắt hoặc che một mắt để nhìn. Lâu dần bên mắt có độ khúc xạ cao hơn ít được sử dụng, hình ảnh ở bên mắt này não không cảm nhận và xử lý được, khiến thị lực giảm rất nhanh…

Một số dấu hiệu có thể gặp khi bất đồng khúc xạ hai mắt

- Khả năng nhìn bằng hai mắt bị giảm. Thường hay sử dụng mắt lành hoặc mắt có độ cận thị (hoặc loạn, hoặc viễn) nhẹ hơn.

- Hay nheo một bên mắt để nhìn.

- Xu hướng nghiêng đầu để nhìn, khi có lé (lác).

- Thị lực hai bên mắt khác nhau, bên rõ, bên mờ; chỉ được phát hiện khi che một mắt

- Trẻ thường không thích/ngại tham gia các hoạt động liên quan đến việc phải nhìn gần như tô màu, vẽ hình, đọc sách…

- Khi đọc sách hay đọc nhảy hàng, phải dùng ngón tay dò từng chữ. Trẻ có thể đọc được từng chữ đơn lẻ được nhưng sẽ khó khăn khi đọc cả hàng (gọi là hiện tượng đám đông).

Điều trị bất đồng khúc xạ thế nào?

Phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất là điều chỉnh khúc xạ bằng kính sau khi đã khám khúc xạ với liệt điều tiết tốt.

Lý giải nguyên nhân trẻ “lười” đeo kính và hệ luỵ - Ảnh 3.

Với trẻ dưới 12 tuổi, cố gắng tập đeo kính để điều chỉnh hoàn toàn độ cận, viễn và độ loạn vì ở trẻ nhỏ khả năng thích nghi để đeo kính chênh lệch giữa hai mắt tốt hơn người lớn. Trong lần đeo kính đầu tiên, tùy từng trường hợp, bác sỹ có thể cho giảm độ để mắt thích nghi dần nhưng sau đó sẽ theo dõi và hiệu chỉnh đến đủ số. Các loại kính có thể dùng là:

- Kính gọng: đơn giản, dễ áp dụng nhưng có thể có bất đồng hiệu ứng lăng kính và bất đồng ảnh võng mạc dẫn đến tình trạng khó thích nghi với kính và nhanh mỏi mắt.

- Kính áp tròng mềm: thẩm mỹ, hiệu quả, tuy nhiên có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm khi đeo không đúng cách do điều kiện khí hậu nóng ẩm ở Việt Nam.

- Kính áp tròng cứng thấm khí (ortho-K): được đeo vào ban đêm trong khi ngủ (đủ 6h liên tục) để tạm thời điều chỉnh khúc xạ của giác mạc, giúp mắt có thể nhìn rõ vào ngày hôm sau. Khắc phục được hiệu ứng lăng kính và tình trạng bất đồng ảnh trên võng mạc của kính gọng.

Người lớn, đeo kính gọng để điều chỉnh hết độ chênh lệch khúc xạ cao ở hai mắt sẽ rất khó nên có thể lựa chọn sử dụng kính gọng, kính áp tròng mềm hoặc kính áp tròng cứng Ortho-K.

Khi không có nhu cầu hoặc không thể đeo kính gọng/kính áp tròng, từ 18-20 tuổi bệnh nhân có thể được bác sỹ nhãn khoa thăm khám và chỉ định thực hiện các phẫu thuật sau: phẫu thuật Lasik, hoặc phẫu thuật Phakic ICL (đặt thấu kính nội nhãn sinh học vào nội nhãn).

Về mặt chuyên môn, kính áp tròng và phẫu thuật khúc xạ là những phương pháp điều trị bất đồng khúc xạ đem lại hiệu quả tối ưu.

"Nếu bạn đang gặp chênh lệch khúc xạ ở hai mắt hoặc gặp bất kỳ một trong các triệu chứng nào của tật bất đồng khúc xạ hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa để thăm khám và tư vấn về phương pháp điều trị sớm nhất"- Bác sĩ Bệnh viện Mắt Hitec khuyến cáo.

Theo suckhoedoisong.vn