Qistina, một nhà thiết kế đồ họa 21 tuổi, nhớ lại rằng cô cần ít nhất 2 tách cà phê loại lớn để giữ tỉnh táo khi học tại một trường bách khoa. Sau đó, bạn học đã hỏi cô có muốn pha nước tăng lực với cà phê không. "Đó là lần đầu tiên tôi nghe nói đến một hỗn hợp như vậy. Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm điều đó, nhưng ý tưởng đó đã theo tôi" - Qistina nói.
Cái giá phải trả cho việc tỉnh táo là rất lớn. Khi nguồn năng lượng nhân tạo suy yếu, nhiều người thấy mình biến thành thây ma thực sự. Họ lê bước qua những ngày tiếp theo trong trạng thái mơ màng thiếu ngủ. Tuy nhiên, đây là cái giá mà họ sẵn sàng trả cho thành công trong học tập.
Một số người khác thì pha đồ uống tăng lực với rượu. Như Dil Kaur, sinh viên đại học ở Melbourne, một trong những thức uống yêu thích của cô là vodka pha với Monster không calo. Nhà tạo mẫu tóc 27 tuổi này cho biết đó là một cách rẻ tiền để có được sự phấn khích nhanh chóng với khả năng chi tiêu hạn hẹp khi còn là sinh viên.
Với trái tim đập nhanh vì caffeine và rượu chảy trong huyết quản, cô đã sẵn sàng cho một đêm tuyệt vời. Bây giờ, khi đã là một người trưởng thành đang đi làm, cô Kaur chọn Jagerbombs – một loại cocktail kết hợp Red Bull với Jagermeister.
Chuyên gia truyền thông Aidan Razali, 24 tuổi cho biết bạn bè mình và những người trẻ tuổi khác tin rằng pha đồ uống tăng lực với rượu giúp họ duy trì trạng thái “phê” trong thời gian dài hơn mà không bị xỉn "quắc cần câu".
Những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe
Bà Rachel Wong - chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện đại học quốc gia (NUH) - cho biết việc pha đồ uống tăng lực với cà phê làm tăng hàm lượng caffeine tổng thể. Điều này làm tăng nguy cơ quá liều caffeine, dẫn đến các triệu chứng như tăng nhịp tim và huyết áp, lo lắng và bồn chồn.
Khi đồ uống tăng lực được pha với rượu, tác dụng kích thích có thể che giấu tình trạng say, dẫn đến việc uống nhiều hơn và nguy cơ ngộ độc rượu cao hơn.
Bà Wong cho biết những sự kết hợp này cũng có thể gây ra các vấn đề về giấc ngủ và khó tiêu như buồn nôn, đau dạ dày và mất nước do tác dụng lợi tiểu của caffeine.
|
Dil Kaur thường pha đồ uống tăng lực với rượu để chuẩn bị cho một đêm đi chơi khi cô còn là sinh viên đại học ở Melbourne - Ảnh: Shintaro Tay |
Bất chấp những cảnh báo, Qistina cho biết: “Tôi cho rằng với tư cách là sinh viên thiết kế, và bây giờ là nhà thiết kế, chúng tôi có rất nhiều thời hạn và thời gian hoàn thành gấp rút, thì việc tiếp tục sử dụng các chất kích thích như thế này để giữ tỉnh táo là điều có thể chấp nhận được”.
Bao nhiêu là quá nhiều?
Vào tháng 1/2024, Nghị sĩ Quốc hội được đề cử Jean See Jinli đã hỏi liệu Bộ Y tế có cân nhắc đưa ra các biện pháp hạn chế việc bán đồ uống có hàm lượng caffeine cao, bao gồm cả đồ uống tăng lực, cho những người trẻ tuổi hay không.
Bộ trưởng Y tế Ong Ye Kung, cho biết các quy định về thực phẩm của Singapore không đặt ra giới hạn tối đa đối với caffeine được thêm vào đồ uống. Trên thế giới, cũng không có sự đồng thuận về các hướng dẫn hoặc tiêu chuẩn dựa trên sức khỏe đối với caffeine được phép trong thực phẩm. Do đó, không có bằng chứng chắc chắn nào ủng hộ ngưỡng tối đa chung.
Các chuyên gia dự đoán rằng các loại đồ uống không cồn này sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong 5 năm tới. Một cuộc khảo sát vào tháng 7/2022 do nhà nghiên cứu cấp cao R. Hirschmann của công ty dữ liệu toàn cầu Statista thực hiện đã tiết lộ rằng gần 55% trong số khoảng 1.000 người được hỏi ở Singapore đã mua cà phê trong tuần qua, trong khi 46,9% mua trà và trà sữa.
Tiêu thụ đồ uống tăng lực cũng đang tăng lên, với thị trường dự kiến đạt 5,21 lít/người vào năm 2024.
Bà Yulanda Heng, chuyên gia dinh dưỡng chính tại Bệnh viện phụ nữ và trẻ em KK (KKH), cho biết: “Caffeine có thể được tìm thấy ẩn trong nhiều loại thực phẩm và đồ uống thông thường, bao gồm sôcôla và nước vitamin. Đây là chất kích thích làm tăng hoạt động của não và hệ thần kinh. Với liều lượng thích hợp, nó có thể giúp người ta cảm thấy tỉnh táo và tập trung hơn”.
Theo cổng thông tin sức khỏe địa phương HealthHub, tốt nhất là nên giữ lượng caffeine tiêu thụ ở mức vừa phải, tức không quá 3ly (400mg) mỗi ngày. Một người nếu tiêu thụ quá nhiều caffeine – 600mg đến 900mg trở lên – có thể dẫn đến run cơ, mất ngủ, nhịp tim không đều, tăng huyết áp, đau đầu và trào ngược axit. Ngay cả lượng nhỏ hơn cũng có thể gây ra những vấn đề này cho những người có khả năng chịu đựng caffeine thấp hơn.
Bà Rachel Wong gợi ý nên chia nhỏ lượng caffeine tiêu thụ trong ngày để tăng đều mức năng lượng và sự tỉnh táo. Trong trường hợp nghi ngờ quá liều caffeine, bà khuyên nên theo dõi các triệu chứng, uống nhiều nước và ngừng tiêu thụ caffeine. Cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế nếu xảy ra các triệu chứng nghiêm trọng.
Theo phụ nữ TPHCM