Mùa hè ăn rau gì mát là băn khoăn của rất nhiều bà nội trợ khi chuẩn bị bữa ăn mùa nóng cho gia đình. Hơn nữa, mùa hè nóng bức dễ sinh mụn, đòi hỏi ngoài vệ sinh cá nhân sạch sẽ thì các gia đình nên có chế độ ăn uống ưu tiên các thực phẩm có tác dụng thanh nhiệt cơ thể và giàu chất chống viêm ngăn ngừa mụn.
Dưới đây là một số loại rau lá xanh có tác dụng cho việc thanh nhiệt, ngừa mụn và giải độc cho cơ thể phổ biến trong mùa hè.
1. Rau diếp cá
Theo y học hiện đại, lá rau diếp cá chứa nhiều tinh dầu, thành phần chủ yếu là nhóm aldehyd và các dẫn xuất ceton như methyl-n-nonyl ceton, l-decanal… và 3-oxododecanal có tác dụng kháng khuẩn. Diếp cá còn chứa nhiều axit caprinic, benzamid, axit hecadecanoic, axit palmitic, axit linoleic, axit oleic, axit stearic, aldehyd capric, lipid, vitamin K…
Theo Đông Y, rau diếp cá có tính hàn, rất hiệu quả trong việc làm mát và giải nhiệt cho cơ thể vào mùa hè. Bên cạnh đó, rau diếp cá giàu vitamin C, chất xơ cùng các loại khoáng chất thiết yếu có lợi cho việc duy trì một làn da khoẻ mạnh. Nhờ đặc tính chống viêm và kháng khuẩn của mình mà rau diếp cả nổi tiếng trong việc ứng dụng để trị các bệnh về da, bao gồm mụn trứng cá.
Bạn có thể ăn rau má trực tiếp như các loại rau thơm hoặc dùng làm sinh tố để uống đều tốt cho sức khoẻ.
Ai không nên ăn rau diếp cá?
Do có tính hàn nên người mới ốm dậy, người hay bị lạnh bụng, người bị viêm đại tràng, suy thận mãn tính, mắc hội chứng ruột kích thích và phụ nữ mang thai không nên ăn rau diếp cá.
2. Rau mồng tơi
Rau mồng tơi hay còn gọi là rau mùng tơi rất phổ biến trên mâm cơm mùa hè. Rau mồng tơi có thể kết hợp với nhiều loại rau khác để nấu canh như rau đay, rau dền, mướp hương, quả bầu,...
Theo Indian Express, rau mồng tơi chứa một lượng lớn vitamin A, B, C, canxi, sắt, kẽm, đồng, magie, mangan, phốt pho và kali. Lượng vitamin C trong rau mồng tơi thậm chí cao gấp 3 lần so với rau bina và vitamin A cao gấp 1,5 lần so với cải xoăn. Các chất chống oxy hoá bao gồm beta-carotene, lutein và zeaxanthin cùng hàm lượng chất xơ cao góp phần vào việc ngăn ngừa lão hoá da, giảm viêm trong cơ thể.
Trong Đông y, mồng tơi có tính hàn, vị chua, không độc, đi vào 5 kinh tâm, tì, can, đại trường, tá tràng, giúp lợi tiểu, tán nhiệt, giải độc, làm đẹp da, trị rôm sảy, mụn nhọt.
Ai không nên ăn rau mồng tơi?
Mặc dù tốt cho sức khoẻ, lành tính với cả trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai nhưng rau mồng tơi với hàm lượng chất xơ cao, không thích hợp để ăn quá nhiều, dễ gây đầy bụng, khó tiêu; đặc biệt với những người đang có các vấn đề về đường tiêu hoá như đau dạ dày, đang bị tiêu chảy,...
Rau mồng tơi cũng chứa nhiều purin không tốt cho người bị sỏi thận.
3. Rau ngót
Rau ngót được đánh giá là loại rau lành tính, dễ ăn với các món luộc, nấu canh hoặc xào. Theo Đông y, lá rau ngót tính hàn, ngoài tác dụng lợi tiểu, tăng tiết nước bọt, bổ huyết, cầm huyết, nhuận tràng, sát khuẩn, tiêu viêm, sinh cơ còn giúp thanh nhiệt, giải độc hiệu quả trong mùa hè.
Theo y học hiện đại, rau ngót giàu dinh dưỡng, chứa nhiều thành phần thiết yếu như vitamin C, B1, B6, protein (5,3 gam/100 gam tươi), natri, kali, phốt pho, magie, đồng, kẽm, mangan và coban. Giống như nhiều loại rau lá xanh khác, nhờ lượng vitamin C dồi dào và chất xơ mà rau ngót có tác dụng chống lại stress oxy hoá. Chiết xuất etanolic trong rau ngót cũng giúp ngăn ngừa viêm nhiễm - tác nhân tăng nguy cơ hình thành mụn - hiệu quả.
Ai không nên ăn rau ngót?
Dù rất tốt và là loại rau lợi sữa sau sinh nhưng rau ngót không thích hợp với phụ nữ đang ở 3 tháng đầu thai kì do hàm lượng papaverin trong rau ngót có thể tăng co thắt tử cung, tăng nguy cơ sảy thai sớm. Người chán ăn, mất ngủ, người cao tuổi, người loãng xương, người thiếu canxi hoặc còi xương (do chất glucocorticoid có trong rau ngót lại là hoạt chất làm cản trở quá trình hấp thu phốt pho và canxi của cơ thể).
4. Rau má
Rau má tốt cho việc thanh nhiệt cơ thể do nó chứa các thành phần có tác dụng giải độc và làm mát.
Theo Đông Y, rau má có vị ngọt, hơi đắng, tính bình, không độc, có tính chất giải nhiệt, giải độc, thông tiểu, dùng chữa thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, lợi sữa.
Theo y học hiện đại, rau má giàu chất chống oxy hóa flavonoids, vitamin C và các khoáng chất như magie, kali giúp cải thiện chức năng gan, giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Đồng thời, rau má còn có tác dụng giúp làm dịu các vấn đề da như mụn và viêm nhiễm, hỗ trợ hệ tiêu hóa, tăng cường sức khỏe tổng thể và giúp cơ thể giải nhiệt cũng như giảm cảm giác nóng trong.
Ai không nên ăn rau má?
Mặc dù rau má lành tính nhưng không phải ai cũng có thể ăn, đặc biệt nếu ăn rau má với số lượng lớn trong thời gian dài cũng dễ gây ra lạnh bụng, tiêu chảy. Rau má có thể tương tác gây giảm tác dụng an thần của các loại thuốc như thuốc chữa cảm lạnh, thuốc ho hoặc khi uống rượu.
Người mắc bệnh tiểu đường và người có cholesterol cao cũng không nên ăn rau má quá nhiều do rau má có thể tăng lượng cholesterol trong máu và tăng lượng đường huyết khi tiêu thụ với lượng lớn.
Ngoài ra, phụ nữ đang mang thai, trẻ em, phụ nữ đang cho con bú cũng nên tránh dùng rau máu.
Ngoài chế độ ăn uống tăng cường các loại rau lá xanh bạn cũng nên bổ sung thêm các loại quả mùa hè tốt cho sức khoẻ như dưa hấu, dứa, thanh long, chôm chôm,... Nếu bị dị ứng hoặc đang điều trị các bệnh lý mãn tính, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn.
Châu Anh/Nguồn: Tổng hợp