Bộ Y tế nhấn mạnh, kháng thuốc là mối đe dọa sức khỏe và sự phát triển toàn cầu. Kháng thuốc xảy ra khi các vi khuẩn, vi rút, nấm và ký sinh trùng thay đổi theo thời gian và không còn đáp ứng với thuốc kháng vi sinh vật, làm cho bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm tăng nguy cơ lây lan bệnh, bệnh nặng và tử vong.
Để phòng, chống kháng thuốc, Kế hoạch hành động của Bộ Y tế đặt ra 4 mục tiêu đi kèm với các chỉ tiêu hướng tới đạt được trong năm 2025.
|
Tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam làm tăng nguy cơ kháng thuốc - Ảnh minh họa: Internet |
Mục tiêu thứ nhất là nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương và hiểu biết của nhân viên y tế, nhân viên thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc. Tới năm 2025, tỉ lệ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có kế hoạch phòng, chống kháng thuốc giai đoạn 2023 - 2030 được UBND tỉnh phê duyệt và được cấp ngân sách để triển khai thực hiện đạt 100%.
Tỉ lệ hiểu biết đúng về phòng, chống kháng thuốc ở người trưởng thành, bà mẹ đạt ít nhất 50% và ở nhân viên y tế đạt ít nhất 60%.
Mục tiêu thứ hai là củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ và xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật. Chỉ tiêu đặt ra năm 2025, có 50% số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và tại mỗi tỉnh, thành phố ít nhất 1 bệnh viện tham gia; nâng cao năng lực cho 3 phòng xét nghiệm tham chiếu quốc gia về kháng thuốc và triển khai giám sát kháng thuốc của các vi sinh vật trong cộng đồng vào năm 2025. Ít nhất 90% cán bộ tham gia trong hệ thống giám sát quốc gia về kháng thuốc được tập huấn chuyên môn về kỹ thuật nuôi cấy, định danh và kháng sinh đồ và sử dụng, quản lý dữ liệu giám sát kháng thuốc...
Mục tiêu thứ ba là giảm sự lan truyền của vi sinh vật và bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế đặt ra chỉ tiêu như: tỉ lệ các bệnh viện (không bao gồm bệnh viện quận, huyện) thiết lập chỉ tiêu và triển khai kế hoạch kiểm soát mức độ kháng thuốc của các vi khuẩn gây bệnh thường gặp trong bệnh viện; đánh giá tuân thủ thực hành tốt về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và an toàn sinh học đạt ít nhất 40%. Tỉ lệ các bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện tỉnh, thành phố thực hiện kỹ thuật vi sinh để chẩn đoán, điều trị và giám sát kháng thuốc đạt ít nhất 40%, bệnh viện quận, huyện đạt ít nhất 15%.
Mục tiêu cuối cùng là sử dụng thuốc kháng vi sinh vật ở người hợp lý, an toàn và có trách nhiệm. Tỉ lệ các bệnh viện triển khai chương trình quản lý sử dụng kháng sinh đạt ít nhất 30%. Thiết lập hệ thống giám sát quốc gia sử dụng và tiêu thụ kháng sinh ở người.
Theo phụ nữ TPHCM