leftcenterrightdel
Ngâm chân nước nóng để giảm chứng đau nửa đầu hoạt động bằng cách giãn nở các mạch máu ở bàn chân. Ảnh - AI: Ngọc Thùy 

Tiến sĩ Shiva Kumar R, Trưởng khoa Thần kinh học và Động kinh tại Bệnh viện Manipal, Bengaluru (Ấn Độ) - cho biết, các phương pháp điều trị đau nửa đầu phổ biến bao gồm thuốc giảm đau không kê đơn, chườm lạnh, bù nước và nghỉ ngơi.

Tuy nhiên, một số người cũng sẽ cảm thấy dễ chịu hơn thông qua các kỹ thuật như thư giãn, thiền hoặc yoga.

Phương pháp ngâm chân để giảm chứng đau nửa đầu giúp giãn nở các mạch máu ở bàn chân, tuần hoàn máu não và giúp làm giảm cơn đau nửa đầu.

“Mặc dù ngâm chân bằng nước nóng có thể giúp một số người giảm đau, nhưng chúng thường ít hiệu quả trực tiếp hơn so với thuốc và các phương pháp điều trị khác", bác sĩ Shiva Kumar R lưu ý.

Các kỹ thuật để tối đa hóa lợi ích ngâm chân

Tiến sĩ Shiva Kumar R khuyên rằng, trong quá trình ngâm chân, bạn nên đảm bảo nước nóng nhưng không nên quá nóng.

Theo đó, nhiệt độ khuyến nghị là khoảng 100 - 110 độ F (37 - 43 độ C). Ngâm chân trong 15 - 20 phút để các mạch máu giãn nở đủ thời gian.

Sử dụng chậu lớn hoặc bồn ngâm chân để thoải mái ngâm cả hai chân. Thêm muối epsom hoặc tinh dầu như hoa oải hương để có thêm lợi ích thư giãn. Ngồi thoải mái, có thể chườm mát lên trán để tăng hiệu ứng tương phản sẽ giúp ích cho quá trình giảm đau.

Lợi ích của ngâm chân nước nóng

Giãn mạch: Ngâm chân trong nước nóng làm giãn mạch máu ở bàn chân, có thể giúp giảm lượng máu lên đầu, có khả năng làm giảm áp lực và cơn đau liên quan đến chứng đau nửa đầu.

Điều hòa thân nhiệt: Ngâm chân có thể giúp cơ thể điều hòa nhiệt độ và mang lại hiệu quả làm dịu, giúp thư giãn và làm giảm các triệu chứng đau nửa đầu.

Hệ thần kinh: Nước ấm có thể kích thích các dây thần kinh ở bàn chân, từ đó gửi tín hiệu đến não giúp giảm đau và thư giãn.

Rủi ro tiềm ẩn và chống chỉ định

Tiến sĩ Shiva Kumar R khuyên bạn nên cẩn thận với những rủi ro khi thử phương pháp này bao gồm:

Da nhạy cảm: Những người có làn da nhạy cảm hoặc mắc các bệnh như bệnh chàm nên thận trọng vì nước nóng có thể gây kích ứng hoặc bỏng.

Các vấn đề về tuần hoàn: Những người bị tuần hoàn kém, tiểu đường hoặc bệnh thần kinh nên tránh nước quá nóng để tránh bị bỏng và biến chứng.

Lạm dụng: Ngâm chân bằng nước nóng thường xuyên có thể dẫn đến khô và kích ứng da.

Theo laodong