Theo các nhà khoa học tại Đại học Columbia (Mỹ), việc rút ngắn giấc ngủ chỉ 90 phút đã làm tăng tình trạng kháng insulin ở những phụ nữ vốn đã quen với ngủ đủ giấc. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy ngay cả tình trạng thiếu ngủ nhẹ kéo dài trong 6 tuần cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường.

Trưởng nhóm nghiên cứu Marie-Pierre St-Onge, giám đốc Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ và sinh học tại Đại học Columbia ở New York (Mỹ), cho biết: "Trong suốt cuộc đời của mình, phụ nữ phải đối mặt với nhiều thay đổi trong thói quen ngủ do sinh con, nuôi con và mãn kinh. Và nhiều phụ nữ cho biết họ không ngủ đủ giấc."

Trong nghiên cứu, St-Onge và các đồng nghiệp đã lựa chọn 38 phụ nữ khỏe mạnh, 11 người trong số đó đã trải qua thời kỳ mãn kinh. Tất cả phụ nữ thường xuyên ngủ ít nhất 7 giờ mỗi đêm.

Theo các nhà khoa học, thời lượng ngủ được khuyến nghị để có sức khỏe tối ưu là từ 7 - 9 giờ, nhưng khoảng 1/3 người Mỹ ngủ ít hơn mức này.

Đối tượng nghiên cứu được yêu cầu tham gia vào 2 giai đoạn khác nhau của nghiên cứu, theo thứ tự ngẫu nhiên, bao gồm: Họ được yêu cầu duy trì giấc ngủ đầy đủ thường xuyên trong một giai đoạn, nhưng giai đoạn tiếp sau đó thì họ được yêu cầu trì hoãn giờ đi ngủ khoảng 1,5 giờ, dẫn tới rút ngắn tổng thời gian ngủ xuống còn khoảng 6 giờ. Mỗi giai đoạn thử nghiệm kéo dài 6 tuần.

Ngủ ít có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở phụ nữ- Ảnh 1.

Ngủ ít có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường ở phụ nữ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, việc cắt giảm giấc ngủ 90 phút trong 6 tuần làm tăng nồng độ insulin lúc đói lên hơn 12% tính chung cho các đối tượng, và 15% ở phụ nữ tiền mãn kinh. Tình trạng kháng insulin tăng gần 15% tính chung tất cả đối tượng và hơn 20% ở phụ nữ sau mãn kinh.

Theo nhóm nghiên cứu, lượng đường trung bình trong máu vẫn ổn định đối với tất cả đối tượng nghiên cứu trong suốt thời gian nghiên cứu, nhưng những thay đổi về tình trạng kháng insulin có thể khiến lượng đường trong máu tăng về lâu dài.

Mặc dù mỡ bụng tăng là nguyên nhân chính gây kháng insulin, nhưng nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng tác động của việc mất ngủ đối với tình trạng kháng insulin không liên quan đến bất kỳ sự gia tăng chất béo nào.

"Thực tế là chúng tôi thấy những kết quả này không phụ thuộc vào bất kỳ thay đổi nào về lượng mỡ trong cơ thể, một yếu tố nguy cơ đã biết đối với bệnh đái tháo đường type 2. Điều này cho thấy tác động của việc giảm giờ ngủ đối với các tế bào sản xuất insulin và quá trình trao đổi chất. Tiếp theo, chúng tôi sẽ tiến hành nghiên cứu thêm để xác định xem liệu giấc ngủ ngon hơn có giúp cải thiện việc kiểm soát lượng đường trong máu và khả năng chuyển hóa glucose hay không" – nhóm nghiên cứu cho biết thêm.

Theo suckhoedoisong.vn