1. Tập thể dục có giúp ích gì cho người bệnh áp xe não?

Tập thể dục mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe tổng thể. Thế nhưng, trong bệnh áp xe não, người bệnh thường gặp các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi, sốt, lú lẫn, nôn mửa, co giật, cổ cứng… Lúc này, người bệnh nên nghỉ ngơi, tránh tập thể dục có thể gây hại sức khỏe.

Khi các triệu chứng bệnh được điều trị thuyên giảm, thể trạng tốt, người bệnh có thể tập thể dục để hỗ trợ cơ thể hồi phục và trở nên linh hoạt hơn. 

Ngoài ra, tập thể dục cũng là một liệu pháp giúp giảm stress, lo lắng tinh thần ở bệnh nhân áp xe não. Một số bài tập có tác dụng tăng cường lưu thông khí huyết vùng cổ gáy, não... sẽ giúp giảm các triệu chứng đau vai gáy, động kinh…

Về lâu dài, tập luyện thể dục thể thao còn giúp tăng cường miễn dịch, nâng cao thể trạng và giúp người bệnh ngủ ngon, sâu giấc hơn.

 
leftcenterrightdel
 Tập thể dục mang lại nhiều ích lợi cho sức khỏe tổng thể.

2. Người bệnh áp xe não nên tập thể dục như thế nào?

Cho đến nay, không có bài tập cụ thể nào dành riêng cho bệnh nhân áp xe não. Khi sức khỏe ổn định, người bệnh nên vận động nhẹ nhàng để nâng cao sức khỏe tổng thể và giảm căng thẳng, lo lắng. Một số trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh tập luyện phục hồi chức năng.

Để đảm bảo tập luyện an toàn, không gây hại sức khỏe, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để nhận được những lời khuyên hữu ích. Dưới đây là một số hình thức vận động nhẹ nhàng giúp người bệnh áp xe não phục hồi sức khỏe:

- Đi bộ: Đi bộ là hình thức tập luyện an toàn và phù hợp với hầu hết mọi đối tượng. Đối với người bệnh áp xe não, đi bộ sẽ hỗ trợ cơ thể linh hoạt hơn, đồng thời giảm bớt suy nghĩ, lo lắng về tình trạng bệnh.

- Thiền: Thiền mang lại nhiều tác dụng tích cực cho sức khỏe tinh thần, giúp người bệnh thư giãn, kiểm soát lo lắng, điều hòa nhịp thở và cải thiện giấc ngủ. 

- Yoga: Tập yoga nhẹ nhàng là biện pháp giúp cơ thể hồi phục nhanh và trở nên linh hoạt hơn. Nếu là người mới bắt đầu làm quen với yoga, bạn nên tham gia một lớp học cơ bản để được huấn luyện viên hướng dẫn cách thức tập, tránh tập sai động tác.

3. Lưu ý khi tập luyện

Trong giai đoạn bệnh cấp tính đau nhức nhiều, sốt, buồn nôn, động kinh, chóng mặt, người bệnh không nên tập thể dục bởi việc này có thể khiến triệu chứng bệnh nặng thêm.

Khi đã được điều trị bệnh ổn định hết sốt, thể trạng tốt, có thể quay lại tập luyện. Luôn chú ý theo dõi, lắng nghe cơ thể mình để điều chỉnh cường độ tập sao cho phù hợp. Tốt nhất, người bệnh áp xe não nên lựa chọn các bài tập nhẹ nhàng, có thể tăng dần cường độ khi sức khỏe cho phép. 

Khi có các triệu chứng như đau đầu, buồn nôn, hoa mắt, khó thở, không nên cố tập tiếp mà dừng ngay.

Ưu tiên tập luyện tại không gian thoáng mát, trong lành.

Theo suckhoedoisong.vn