1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh hẹp ống sống

Ống sống là phần khoang rỗng được tạo thành bởi cung sau của các đốt sống xếp lên nhau thành một đường ống nhỏ, chứa tủy sống và là nơi xuất phát của các rễ thần kinh. Ống sống có vai trò bảo vệ tủy sống và rễ thần kinh.

Hẹp ống sống là tình trạng không gian bên trong ống sống bị thu hẹp, gây áp lực lên tủy sống và các rễ thần kinh. Tùy vào vị trí ống sống bị hẹp mà các triệu chứng xuất hiện ở các vùng khác nhau của cơ thể. Ví dụ, hẹp ống sống thắt lưng gây đau ở lưng dưới, đau thần kinh tọa, rối loạn cảm giác tê bì, nóng rát hay dị cảm "kim châm", "kiến bò" bắt đầu ở mông và kéo dài xuống đùi, cẳng chân, bàn chân. Hẹp ống sống cổ gây đau nhức vùng cổ - gáy, đau tê lan xuống vai tay.

Bên cạnh các phương pháp điều trị dùng thuốc hoặc phẫu thuật, người bệnh hẹp ống sống cần kết hợp vật lý trị liệu. Các chuyên gia vật lý trị liệu sẽ xây dựng một chương trình vận động phù hợp cho cột sống, giúp cải thiện sức mạnh, sự cân bằng, tính linh hoạt và ổn định của cột sống.

Hơn nữa, việc tập luyện rất hữu ích trong giảm đau, tăng cường sức mạnh cơ dựng sống và cơ bụng để hỗ trợ cột sống. Tuy nhiên, người bệnh cần tập đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh làm cho tổn thương nặng hơn.

Đối với giai đoạn đau cấp, người bệnh cần nghỉ ngơi hoàn toàn, không khuyến khích gắng sức vận động tập luyện ngay. Lưu ý tư thế cơ thể trong các hoạt động cá nhân cũng như trong sinh hoạt hàng ngày. Tuy vậy, vận động nhẹ nhàng tại chỗ khi có thể sẽ giúp tăng cường lưu thông máu, giãn cơ, giảm đau.

2. Một số bài tập phù hợp với người bệnh hẹp ống sống

Các bài tập cơ vùng cổ, lưng, tứ chi thích hợp có tác dụng tăng cường tuần hoàn cho các cơ, tăng tiết endorphin nội sinh làm giảm đau. Các bài tập kéo giãn (treo xà) có tác dụng giãn cơ, làm giảm áp lực lên đĩa đệm cột sống, giải phóng chèn ép tủy, rễ thần kinh, điều chỉnh những sai lệch của các khớp đốt sống, có tác dụng giảm đau, cải thiện chức năng vận động của cột sống.

Những trường hợp thoát vị đĩa đệm gây hẹp ống sống biểu hiện điển hình bằng dấu hiệu đi cách hồi, việc tập luyện bằng hình thức đi bộ hoặc chạy rõ ràng là rất khó khăn. Trong trường hợp này, đạp xe, tập dưới nước và kéo giãn là những hình thức phù hợp nhất. Tránh tập đứng nâng tạ, tránh tập các môn đòi hỏi di chuyển xoay vặn cột sống cũng như các môn đòi hỏi nhiều sức mạnh, va chạm như bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt, các môn võ vật…

Dưới đây là một số bài tập mà người bệnh hẹp ống sống có thể thực hiện:

- Động tác ưỡn mông kéo giãn cột sống:

  • Hít vào tối đa, lấy điểm tựa là lưng trên và hai gót chân, nhấc mông lên
  • Tiếp theo giữ hơi mở thanh quản (bằng cách hít thêm) đồng thời giao động mông qua lại 4 lần
  • Sau đó trở về tư thế trung tính, thở ra triệt để có ép bụng, hạ mông xuống
  • Cuối cùng nghỉ ngơi, làm từ 1 đến 3 lần.

- Động tác tam giác giảm đau vùng lưng:

  • Hít vào, giữ hơi mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm, đồng thời dao động hai đầu gối luân phiên qua trái phải sao cho đầu gối chạm đất, đầu cổ quay ngược chiều với đầu gối, làm từ 2-6 cái.
  • Trở lại tư thế chuẩn bị. Thực hiện 1-3 lần.
  • Tiếp tục trở về tư thế trung tính, co gối áp sát vào bụng, cúi đầu, cằm chạm ngực (nếu được). Thở ra triệt để ép bụng, duỗi chân một góc 45 độ so với mặt đất, từ từ hạ chân xuống, khi chân chạm đất thì hạ đầu xuống.

- Động tác chào mặt trời kéo giãn vùng lưng dưới:

  • Hít vào sâu, đưa hai tay lên trời, hai tay thẳng, hai cánh tay ngang với hai tai, thân ngả ra sau tối đa.
  • Tiếp theo giữ hơi mở thanh quản bằng cách liên tục hít thêm đồng thời giao động thân trước sau 2-6 cái, lưu ý 2 cánh tay giữ nguyên khi thân dao động.
  • Sau đó thở ra triệt để có ép bụng, hạ tay xuống chống giường.
  • Cuối cùng trở lại tư thế chuẩn bị. Làm 1-2 lần, rồi đổi bên.

- Động tác kéo giãn cơ cổ:

  • Tư thế ngồi thẳng, cổ - đầu ở vị trí trung tâm, hai vai cân đối, thả lỏng cổ vai. Thực hiện các động tác cúi - ngửa - nghiêng - xoay một cách chậm rãi, nhẹ nhàng.
  • Từ vị trí trung tâm từ từ cúi cổ về phía trước hết mức có thể, duy trì tư thế cúi khoảng 3 - 5 giây, từ từ duỗi về vị trí trung tâm, nghỉ khoảng 2 giây.
  • Duỗi (ngửa cổ ra phía sau) thật chậm đến mức có thể, duy trì khoảng 3 - 5 giây, từ từ về vị trí trung tâm, nghỉ khoảng 2 giây. Khi có thoát vị đĩa đệm cột sống cổ động tác này thường làm xuất hiện hoặc tăng tình trạng đau tê lan vai tay, do đó, người tập cần chú ý tập tới ngưỡng chịu được.
  • Nghiêng đầu sang trái, giữ 3 - 5 giây, trở về vị trí trung tâm, nghỉ 2 giây. Thực hiện nghiêng sang phải tương tự.
  • Từ vị trí trung tâm từ từ xoay đầu sang một bên đến mức có thể, giữ 3 - 5 giây, trở về vị trí trung tâm, nghỉ khoảng 2 giây. Làm tương tự với bên kia.
Người bệnh hẹp ống sống nên tập luyện như thế nào?- Ảnh 1.

Cùng với các phương pháp dùng thuốc, phẫu thuật, tập luyện có vai trò hết sức quan trọng đối với bệnh hẹp ống sống.

3. Lưu ý khi tập luyện đối với người bệnh hẹp ống sống

- Lựa chọn các bài tập cụ thể cũng như thời gian tập, số lần thực hiện động tác, số liệu trình trong ngày khác nhau tùy mỗi người, tình trạng bệnh lý và giai đoạn của bệnh, mục đích của việc tập luyện.

- Người bệnh hẹp ống sống nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tập luyện. Những trường hợp bệnh nặng hoặc những động tác khó nên thực hiện dưới sự hướng dẫn, giám sát và trợ giúp của nhân viên y tế.

- Thiết lập và duy trì thói quen tập luyện thường xuyên.

- Người tập thường xuyên tự đánh giá tác động của việc tập luyện đối với cơ thể và kiểm soát hoạt động tập luyện nhằm đảm bảo tập luyện có hiệu quả và an toàn.

Theo suckhoedoisong.vn