Theo Tiến sĩ Anantha Padmanabha - Cố vấn cấp cao - Nội khoa, Bệnh viện Fortis, Nagarbhavi, Bengaluru (Ấn Độ), hầu hết các trường hợp cảm lạnh thông thường sẽ tự khỏi mà không cần điều trị trong vòng 7-10 ngày. Tuy nhiên, đối với một số người, ho có thể kéo dài do nhiều yếu tố, liên quan đến cảm lạnh trước đó hoặc xuất phát từ tình trạng bệnh lý tiềm ẩn. Bất kể nguyên nhân là gì, điều quan trọng là phải tìm cách điều trị.
Các hạt virus còn sót lại
Đây là một trong những lý do phổ biến nhất gây ra tình trạng ho dai dẳng sau khi bị cảm lạnh. Sau khi bị nhiễm trùng, các hạt virus có khả năng vẫn còn trong hệ hô hấp, gây ra tình trạng ho dai dẳng. Tình trạng ho dai dẳng là kết quả của phản ứng tự nhiên của cơ thể nhằm loại bỏ các hạt này.
Chảy dịch mũi sau
Chảy dịch mũi sau là triệu chứng thường gặp của cảm lạnh, dị ứng và nhiễm trùng. Triệu chứng này đặc trưng bởi chất nhầy từ mũi hoặc xoang liên tục chảy xuống phía sau cổ họng, gây kích ứng. Tình trạng có thể kéo dài sau khi bị cảm lạnh, gây ho mạn tính.
Dị ứng
Dị ứng cũng có thể gây ra tình trạng ho dai dẳng, vì các chất gây dị ứng có thể gây kích ứng đường thở và kích hoạt phản xạ ho. Nếu bạn có tiền sử dị ứng, việc tiếp xúc với phấn hoa hoặc bụi, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng ho sau khi bị cảm lạnh.
Trào ngược axit
Theo Tiến sĩ Padmanabha, trào ngược axit cũng có thể góp phần gây ra tình trạng ho dai dẳng sau khi bị cảm lạnh. Trào ngược axit xảy ra khi axit dạ dày trào ngược vào thực quản, gây kích ứng cổ họng và dẫn đến ho mạn tính. Nếu bạn thấy tình trạng ho của mình trở nên tồi tệ hơn sau khi ăn hoặc nằm xuống thì nên đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị.
Chất gây kích ứng môi trường
Đôi khi, ho sau cảm lạnh cũng có thể xảy ra do tiếp xúc với các chất kích thích trong môi trường, chẳng hạn như khói, ô nhiễm hoặc mùi hương nồng. Các chất kích thích này có thể gây viêm đường hô hấp, dẫn đến ho dai dẳng. Các triệu chứng thường có thể kiểm soát được bằng cách tránh các chất kích thích và sử dụng máy lọc không khí.
Theo laodong