Thế nào là bí tiểu và biểu hiện
Ở người bình thường, trung bình lượng nước tiểu trong bàng quang có từ 250ml - 800ml. Lúc này bạn sẽ có kích thích buồn tiểu; lưu lượng nước tiểu thải ra khoảng 20ml/giây. Tiểu lâu hay tiểu khó là biểu hiện của sự kháng cự của các lớp cơ thắt chống lại những cản trở gây bít tắc ở cổ bàng quang.
Cơ vòng trong còn có tên là cơ vòng nhẵn, chịu sự chi phối của hệ thần kinh thực vật, còn cơ vòng ngoài chịu sự chi phối của não. Như vậy, muốn đi tiểu được phải có đủ các điều kiện: bàng quang co bóp đủ mạnh, các cơ vòng giãn nở đủ rộng, niệu đạo thông, không bị vướng mắc.
Bàng quang sẽ không co bóp đủ mạnh trong các trường hợp: Mất sự liên hệ với hệ thần kinh thực vật, đặc biệt là khi bị chấn thương cột sống; Thành bàng quang bị chai xơ do viêm mạn tính, mô đàn hồi bị thay thế bằng mô sợi làm bàng quang co bóp yếu.Tuy nhiên, nếu bàng quang hoạt động bình thường, nhưng cổ bàng quang không giãn nở cũng sẽ gây bí tiểu.
Người bị bí tiểu có thể cấp tính hoặc mãn tính. Người bệnh xuất hiện các dấu hiệu:
- Cảm giác căng, đau, tức bàng quang vùng trước xương mu.
- Gây cảm giác rát và luôn mót đi tiểu nhưng không tiểu được.
- Đau âm ỉ, đau tức khó chịu vùng bụng dưới.
- Đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu không dứt, vừa đi tiểu xong lại muốn đi tiếp, dòng nước tiểu yếu hoặc gián đoạn.
Nguyên nhân gây nên bí tiểu
Khi bị bí tiểu cần được đồng thời xác định nguyên nhân để có hướng điều trị. Có nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân bị tiểu lâu, tiểu khó, như:
+ Các nguyên nhân chung hay gặp gồm:
- Các bệnh do tổn thương tủy sống, chèn ép tủy sống do khối u, lao, các bệnh viêm rễ thần kinh tủy sống.
- Các bệnh liên quan đển vùng bàng quang như: u, sỏi, túi thừa, xơ cứng cổ bàng quang...
- Sau mổ bàng quang, sỏi bàng quang.
- Sau chấn thương có vỡ xương chậu.
+ Nguyên nhân bí tiểu ở nữ giới:
- Do các khối u vùng tiểu khung chèn vào bàng quang như u ở tử cung, u buồng trứng... Bệnh cũng có thể xảy ra khi trực tràng giãn đè vào thành sau của âm đạo; niệu đạo có thể bị thu hẹp; sỏi tiết niệu ngăn chặn dòng chảy của nước tiểu.
- Do có thai, phụ nữ đẻ thường hay bị bí tiểu do dây thần kinh kiểm soát việc đi tiểu bị tổn thương, do đặt ống thông tiểu sai...
+ Nguyên nhân bí tiểu ở nam giới:
- Sỏi bàng quang, niệu đạo.
- Viêm tuyến tiền liệt, u xơ tuyến tiền liệt.
- Chấn thương, chít hẹp viêm nhiễm niệu đạo.
Tùy thuộc vào từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ có cách xử lý thích hợp.
Bệnh bí tiểu, khó tiểu cần phải điều trị càng sớm càng tốt.
Lời khuyên thầy thuốc
Bệnh bí tiểu, khó tiểu cần phải điều trị càng sớm càng tốt. Nếu không điều trị kịp thời sẽ gây căng trướng toàn bộ hệ tiết niệu, viêm nhiễm tiết niệu ngược dòng và suy thận. Bạn cần thực hiện như sau:
- Thường xuyên vận động cơ thể bằng các bài tập phù hợp với sức khỏe, lứa tuổi như đi bộ, cầu lông, đạp xe…
- Không nên nhịn tiểu và không nên ngồi lâu làm ứ đọng nước tiểu càng dễ dẫn đến bí tiểu.
- Có thể áp dụng các biện pháp dân gian, đông y chữa bí tiểu dễ làm ở nhà như: uống nước bông mã đề, râu ngô, nước ép bí xanh, rễ cỏ tranh sắc nước, nước rau má….
- Đến gặp bác sĩ ngay khi thấy căng tức bụng, không tiểu được quá 48 giờ, sốt. Lúc này bạn sẽ được bác sĩ thông tiểu bằng dụng cụ vô khuẩn. Rồi sau đó sẽ tùy thuộc vào từng nguyên nhân gây bí tiểu để áp dụng điều trị cho từng bệnh. Bạn cần phải thực hiện nghiêm chỉ định của bác sĩ.
Theo suckhoedoisong.vn