Đó là trường hợp của một thầy giáo từng được bác sĩ của Bệnh viện Lão khoa T.Ư (Hà Nội) chẩn đoán mắc sa sút trí tuệ.

Trao đổi với bác sĩ của Bệnh viện Lão khoa T.Ư, người thân của thầy giáo kể trên cho hay, ban đầu bệnh nhân chỉ quên những thứ nhỏ nhỏ, như để đồ vật ở chỗ khác thường, hoặc đơn giản như uống nước xong không để lại chén nước vào khay. Các triệu chứng này nặng dần lên. Đến nay, sau 8 năm mắc sa sút trí tuệ, bệnh nhân 58 tuổi đang được các bác sĩ của Bệnh viện Lão khoa tư vấn, đánh giá sức khỏe. 

'Nhớ nhớ, quên quên' có thể liên quan sa sút trí tuệ - Ảnh 1.

Khám sàng lọc trong cộng đồng với người từ trên 60 tuổi giúp phát hiện, can thiệp sớm với người mắc sa sút trí tuệ

ĐỖ NHÂM

Theo PGS-TS Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Trí nhớ và sa sút trí tuệ (Bệnh viện Lão khoa T.Ư), sa sút trí tuệ là bệnh, không phải là hiện tượng bình thường ở tuổi già như nhiều người vẫn nhìn nhận. Bởi vậy, có người 50 tuổi đã có dấu hiệu sa sút trí tuệ.  Người mắc sa sút trí tuệ cần được khám, tư vấn điều trị.

Các biểu hiện liên quan sa sút trí tuệ như: bị lạc đường dù đó là khu vực đã rất quen; thường bị mất dấu câu chuyện (đang nói chuyện bỗng quên mất nội dung mình kể); quên cách dùng đồ vật quen thuộc; để đồ vật ở chỗ khác thường…

Ngoài ra, sa sút trí tuệ có thể là biểu hiện mất ngủ kéo dài hoặc ngủ quá nhiều vào ban ngày; gặp khó khăn về quản lý tài chính (không nhớ mình có bao nhiêu tiền, quên tiền tiết kiệm...).

"Nhưng không phải cứ hay quên là mắc sa sút trí tuệ, bởi vì "quên" là hiện tượng mà hầu như người nào cũng gặp phải trong cuộc sống. Nên khám sa sút trí tuệ khi tình trạng quên đó dẫn đến suy giảm nhận thức, ảnh hưởng sức khỏe, xáo trộn cuộc sống", bác sĩ Bình lưu ý.

Nhận biết sớm sa sút trí tuệ

Biểu hiện sớm hay gặp ở bệnh nhân sa sút trí tuệ là giảm trí nhớ: quên thường xuyên (quên cuộc hẹn, quên tên đồ vật thông thường, quên tên người thân một lúc sau mới nhớ ra); khó ghi nhớ các thông tin mới; lạc đường do quên đường đi ở nơi đã quen; chọn quần áo sai, mặc quần áo không đúng mùa; rối loạn cảm xúc (trầm cảm lo âu, dễ lo lắng xúc động, hay lo, khóc); kể đi kể lại một câu chuyện…

60 - 80% các trường hợp mắc sa sút trí tuệ do Alzeimer và các nguyên nhân khác như: tổn thương mạch máu, chấn thương sọ não..

Theo bác sĩ Bình, rào cản trong chẩn đoán sớm sa sút trí tuệ do cộng đồng thiếu kiến thức không biết các biểu hiện của bệnh sa sút trí tuệ; hiểu sai, cho rằng sa sút trí tuệ là biểu hiện bình thường của tuổi già, hoặc sợ bị chẩn đoán là bệnh tâm thần, "bệnh điên". Hoặc người mắc không biết khám ở đâu, khám xong cũng không biết phải làm gì...

Tại Bệnh viện Lão khoa T.Ư, để chẩn đoán sa sút trí tuệ, người đến khám cần được làm các bài test sàng lọc và các kỹ thuật chẩn đoán chuyên sâu để có chỉ định điều trị phù hợp. Các bác sĩ cũng tư vấn cho người nhà về chăm sóc, hỗ trợ người mắc sa sút trí tuệ tại gia đình.

Theo Thanh niên