Theo các báo cáo từ nhiều nước, những năm qua, tình trạng tự tử ở trẻ em đã lên mức đáng báo động, nhất là những năm đại dịch COVID-19, khi các trường học phải đóng cửa, tình trạng bạo hành gia đình tăng. Tuy nhiên trong hơn 1 năm qua, khi cuộc sống trở lại bình thường, tình trạng tự tử ở trẻ em vẫn không giảm.
|
Áp lực học tập, nạn bạo hành gia đình, bạo lực học đường… khiến nhiều trẻ em trầm cảm, nghĩ nhiều hơn đến cái chết - Nguồn ảnh: UNICEF |
Một nghiên cứu công bố trên tạp chí của Hiệp hội Y khoa Mỹ hồi tháng 5/2023 cho thấy, từ năm 2020-2022, tỉ lệ tử vong của người Mỹ trong độ tuổi từ 10-19 đã tăng hơn 22% so với mức trung bình của các năm trước đó. Các vụ tự tử ở trẻ từ 10-19 tuổi cũng gia tăng. Lois Lee - bác sĩ cấp cứu nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Boston, Chủ tịch Hội đồng Phòng, chống thương tích, bạo lực và ngộ độc nhi khoa Mỹ - cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến những bệnh nhân ngày càng trẻ tuổi đến khám với tình trạng khủng hoảng về sức khỏe tâm thần, thậm chí cả những em nhỏ từ 8-10 tuổi cũng có ý định tự tử”.
Dữ liệu ngày 7/9 từ Bộ Giáo dục và Cơ quan Bảo hiểm Y tế Hàn Quốc cho thấy: tỉ lệ trầm cảm ở trẻ em nước này đã tăng gấp đôi sau 5 năm và hơn 800 học sinh từ tiểu học đến trung học chọn cái chết trong khoảng thời gian này. Các nguyên nhân tự tử phổ biến nhất là trầm cảm, áp lực học tập, sức khỏe tâm thần và các mối quan hệ xã hội, tình trạng bạo lực học đường.
Nhật Bản cũng đang đối mặt với tình trạng trẻ em tự tử ngày càng tăng. Theo Bộ Phúc lợi Nhật Bản, năm 2022 có 514 vụ tự tử ở trẻ bậc tiểu học đến trung học phổ thông - mức cao nhất kể từ khi bắt đầu thống kê vào năm 1980. Trước thực trạng này, chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận Nhật Bản đã và đang tăng cường nỗ lực ngăn chặn trẻ em tự tử.
Theo Anata no Ibasho - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Tokyo - từ tháng 3/2020 đến tháng 8/2023, dịch vụ tư vấn dựa trên trò chuyện trực tuyến 24 giờ của nhóm này đã thực hiện khoảng 750.000 lượt tư vấn. 70% trong số đó là những người từ 29 tuổi trở xuống, với thời gian hầu hết từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng.
Theo nhóm, phần lớn trẻ cho biết chúng không muốn đến trường và muốn chết trong khi những trẻ khác cho biết chúng luôn có cảm giác lo lắng mơ hồ. Koki Ozora - người đứng đầu nhóm này - cho biết: “Chúng tôi muốn trẻ em biết rằng chúng có thể cảm thấy dễ chịu hơn một chút khi nói chuyện với chúng tôi. Không có gì đáng xấu hổ khi sử dụng dịch vụ tư vấn".
Toshihiko Matsumoto - người đứng đầu Cục Nghiên cứu thuộc Trung tâm Thần kinh và Tâm thần học quốc gia - cho biết: “Cần thiết lập một hệ thống để nghiên cứu nguyên nhân đằng sau các vụ tự tử ở trẻ em”. Ông kêu gọi các bậc cha mẹ và những người khác hãy lắng nghe con cái. “Điều quan trọng là phải có một mối quan hệ cởi mở đủ để trẻ có thể nói về những điều tiêu cực” - ông nói.
Tiến sĩ Aron Janssen - người phụ trách các vấn đề lâm sàng tại Khoa Tâm thần và Sức khỏe Hành vi Pritzker tại Bệnh viện Nhi đồng Lurie ở Chicago (Mỹ) - cho biết ông và các đồng nghiệp đang làm mọi thứ trong khả năng để giúp trẻ tránh xa những nỗ lực tự tử ở hiện tại và cả trong tương lai.
Ngoài việc hỗ trợ và tăng cường các biện pháp dành cho trẻ em đang vật lộn với chứng trầm cảm, tăng cường nhân viên chăm sóc sức khỏe tâm thần, nhóm của ông còn tạo ra các chương trình tư vấn, điều trị kịp thời. Điều quan trọng không kém là cần ghi nhớ những trẻ em đang đối mặt hoặc sống sót sau khi cố gắng hay có suy nghĩ đến cái chết.
"Trong một số trường hợp, chúng ta phải kết hợp mọi thứ từ tư vấn, hỗ trợ, điều trị tâm thần, điều trị tâm lý và cả điều trị thể chất bằng thuốc. Chúng ta cần tìm ra cách kết nối với trẻ bên cạnh việc chăm sóc, chữa trị" - ông nói.
Theo phụ nữ TPHCM