Tăng tiết mồ hôi là tình trạng đổ mồ hôi quá mức, thường xảy ra ở các vùng như nách, bàn tay và bàn chân.
Nguyên nhân gây ra mồ hôi nhiều
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tăng tiết mồ hôi, trong đó nhóm gây ra bởi bệnh lý hoặc do dùng thuốc và nhóm nguyên nhân nguyên phát không có nguyên nhân thực thể.
Đối với nguyên nhân thực thể, người bệnh thường gặp tình trạng tiết ra quá nhiều mồ hôi ở tay, nách, mặt hay bàn chân do kích thích quá mức từ các dây thần kinh đến tuyến mồ hôi. Tình trạng này thường xảy ra ở bệnh nhân trẻ, dưới 25 tuổi và có thể di truyền.
Đối với nguyên nhân do bệnh lý có xu hướng xảy ra trên toàn bộ hoặc một vùng cơ thể. Đặc biệt, hội chứng này có nhiều khả năng khiến người bệnh tiết nhiều mồ hôi trong lúc ngủ.
Nguyên nhân kích thích tăng tiết mồ hôi thứ phát bao gồm: Bệnh đái tháo đường, cường giáp, béo phì, bệnh Parkinson, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, bệnh lý nhiễm trùng, đau tim hoặc suy tim, suy hô hấp, một số loại bệnh ung thư… gây ra tình trạng tăng tiết mồ hôi.
Đối với phụ nữ mãn kinh, thời kỳ mang thai cũng có thể gây ra tình trạng tăng tiết mồ hôi.
Thực tế cho thấy căng thẳng, lo lắng quá mức, lạm dụng rượu, bia hoặc chất kích thích… cũng có thể bị tăng tiết mồ hôi.
Ra mồ hôi tay chân tùy mức độ có thể ảnh hưởng khác nhau đến cuộc sống người bệnh, theo thời gian triệu chứng có thể giảm một phần khi lớn tuổi.
Tuy nhiên, đổ mồ hôi tay chân nhiều có thể là thách thức và khiến người bệnh lo âu, bất an trước khi bệnh có thể thuyên giảm một phần khi lớn tuổi hơn.
Các triệu chứng thường gặp có thể kể đến như: ra mồ hôi nhiều ở nách; thấm ướt đẫm ở áo buộc phải thay áo vài lần trong ngày, đổ mồ hôi đọng thành "giọt sương" ở lòng bàn tay, da mềm, mỏng, bong tróc, nhiễm trùng da và nấm da gây ngứa ngáy.
Khi nào ra mồ hôi tay cần gặp bác sĩ?
Đôi khi ra mồ hôi tay chân nhiều là dấu hiệu của một căn bệnh tiềm ẩn nào đó, thường sẽ có triệu chứng đi kèm như choáng váng, đau ngực hoặc buồn nôn. Hãy đến gặp bác sĩ nếu thấy việc ra mồ hôi gây cản trở các hoạt động hàng ngày hoặc nhiều hơn mỗi ngày. Bác sĩ có thể khám và thực hiện xét nghiệm như xét nghiệm máu, nước tiểu để tìm nguyên nhân cơ bản của chứng đổ nhiều mồ hôi tay chân nhiều thứ phát.
Ngoài ra, cũng nên gặp bác sĩ khi tình trạng ra mồ hôi chân tay gây ra các tác động tiêu cực, như: Bệnh tiến triển nặng hơn theo thời gian; gây ảnh hưởng hoạt động giao tiếp sinh hoạt thường ngày; xảy ra nhiều vào ban đêm; gây lo lắng, trầm cảm.
Điều trị tình trạng ra mồ hôi tay nhiều
Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị cho phù hợp. Nguyên tắc điều trị là thay đổi lối sống, điều trị bằng các biện pháp ít xâm lấn trước, chẳng hạn như thuốc bôi hằng ngày để hạn chế mồ hôi ở bàn tay, nách.
Khi mọi biện pháp điều trị nội khoa, ít xâm lấn không đạt hiệu quả, người bệnh có thể được tư vấn các phương pháp điều trị khác như công nghệ điện chuyển ion (iontophoresis), tiêm botulinum toxin hay phẫu thuật đốt hạch giao cảm ngực để điều trị đổ mồ hôi nhiều ở tay chân và nách triệt để.
Điều quan trọng người bệnh cần thay đổi lối sống, cụ thể:
- Hạn chế thức ăn chua cay.
- Hạn chế uống rượu bia.
- Tránh mặc quần áo bó sát, lựa chọn loại vải phù hợp, hạn chế các loại sợi nhân tạo như nylon.
- Mặc quần áo màu tối (đen) có thể cảm giác giảm thấm ướt do mồ hôi.
- Sử dụng tấm thấm nách giúp thấm mồ hôi ra nhiều và bảo vệ quần áo.
- Sử dụng tất có khả năng hút ẩm, tất dày làm bằng sợi tự nhiên; tránh đi tất làm từ chất liệu nhân tạo, thay tất ít nhất hai lần/ngày nếu có thể.
- Mang giày có miếng lót đế siêu thấm hoặc tất thể thao có khả năng hút ẩm cao; tốt nhất là đi giày làm bằng da, thay đổi luân phiên giữa các đôi giày mỗi ngày.
Điều trị tâm lý lo lắng là vấn đề có thể được đặt ra giúp giảm bớt mồ hôi tay nhiều. Bởi ở một số người có cảm giác lo lắng không trực tiếp gây ra chứng tăng tiết mồ hôi nguyên phát nhưng có thể khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn và tạo ra một vòng bệnh lý luẩn quẩn. Người bệnh có thể cảm thấy mất tự tin, lo lắng trong một số tình huống nhất định, chẳng hạn như khi gặp khách hàng hoặc nơi đông người.
Tóm lại: Ra mồ hôi tay nhiều thường không đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe nhưng đôi khi có thể dẫn đến các vấn đề về thể chất và tinh thần, gây cản trở sinh hoạt hàng ngày. Vì vậy, khi có biểu hiện tình trạng này cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể.
Theo suckhoedoisong.vn