Dưới đây là những chia sẻ của bác sĩ nội tiết - chuyên điều trị bệnh lý tuyến giáp-Ths.Bs Phạm Vũ Hiệp- thành viên Hội nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam. 

Lợi ích của việc điều trị bằng iod phóng xạ 

Mọi người có thể hiểu "nôm na" rằng iod phóng xạ là iod có hoạt tính phóng xạ, nó sẽ phát ra tia phóng xạ Beta và làm chết các tế bào xung quanh. Bản thân tế bào tuyến giáp là tế bào rất "ưa iod", do đó các tế bào tuyến giáp sẽ dễ dàng tiếp nhận các phân tử iod (bao gồm cả iod phóng xạ). Do đó, việc uống iod phóng xạ sẽ giúp cơ thể xử lý nốt những tế bào tuyến giáp (hay ung thư giáp) còn sót lại trong cơ thể.

Khi nào phải uống iod phóng xạ?

Nguyên tắc chung với iod phóng xạ là được chỉ định khi bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát bệnh. Không phải trường hợp nào cũng sẽ có nguy cơ như vậy. Đặc biệt là chỉ những bệnh nhân có chỉ định cắt toàn bộ tuyến giáp mới cần cân nhắc đến chỉ định điều trị bằng iod phóng xạ. Và ngoài ra, các yếu tố cần cân nhắc điểu trị với iod phóng xạ sẽ bao gồm:

Sau khi điều trị ung thư tuyến giáp có phải uống iod phóng xạ không? - Ảnh 1.

Hình ảnh tuyến giáp bình thường và tuyến giáp ung thư

- Những trường hợp cân nhắc (chọn lọc): Có thể uống hoặc không, điều này cần được bác sĩ cân nhắc trên từng bệnh nhân cụ thể.

+ Khối u nguyên phát có kích thước trên 2 cm và dưới 4 cm

+ Xét nghiệm mô học có nguy cơ cao

+ Có xâm lấn vào hệ bạch huyết

+ Có di căn hạch cổ

+ Ung thư đa ổ (trong đó có 1 ổ > 1cm)

+ Xét nghiệm Tg sau phẫu thuật trong ngưỡng 1-10 ng/ml

Sau khi điều trị ung thư tuyến giáp có phải uống iod phóng xạ không? - Ảnh 2.

Nguyên tắc chung với iod phóng xạ là được chỉ định khi bệnh nhân có nguy cơ cao tái phát bệnh

- Những trường hợp khuyến khích nên uống iod phóng xạ:

+ Di căn hạch bên đối diện

+ Khối u trên 4 cm

+ Xét nghiệm nồng độ Tg sau phẫu thuật trên 10 ng/ml

+ Có trên 5 hạch di căn hoặc có 1 hạch kích thước > 3cm

+ Có xâm lấn vào mạch máu

+ Có di căn xa

Những trường hợp không cần thiết phải uống iod phóng xạ

Có rất nhiều trường hợp điều trị ung thư tuyến giáp xong cần uống iod phóng xạ, vậy có phải tất cả những trường hợp sau điều trị thì đều cần uống iod không?

Câu trả lời là không, vì những trường hơp sau sẽ không cần điều trị tiếp bằng iod phóng xạ, cụ thể:

- Bệnh nhân điều trị ung thư giáp bằng đốt sóng cao tần, hoặc phẫu thuật cắt bán phần tuyến giáp

- Đã phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp nhưng có đầy đủ các đặc điểm sau:

+ Khối u kiểm tra dưới 2 cm

+ Không xâm lấn ra ngoài vỏ bao giáp

+ Một ổ ung thư hoặc đa ổ nhưng kích thước đều dưới 1 cm

+ Xét nghiệm Tg rất thấp (< 1 ng/ml)

+ Siêu âm sau phẫu thuật không phát hiện tổn thương tồn dư.

Có thể thấy không phải trường hợp nào cũng cần điều trị với iod phóng xạ. Có rất nhiều trường hợp có thể không điêu trị iod phóng xạ mà vẫn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, quá trinh điêu trị và chẩn đoán giai đoạn trước điều trị là cực kỳ quan trọng, là tiền đề để quyết định biện pháp điều trị phù hợp, từ đó tránh được những điều trị không cần thiết, ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của bệnh nhân sau này, bao gồm cả điều trị với iod phóng xạ.

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết, nằm ở phần khí quản cổ, có 2 thùy phải và trái, nối với nhau bởi một eo tuyến giáp, có một phần tuyến giáp hình tam giác kéo từ eo tuyến giáp trên gọi là thùy tháp. Ung thư biểu mô tuyến giáp (ung thư tuyến giáp) là bệnh ác tính thường gặp nhất với tỷ lệ hơn 90% trong số các ung thư tuyến nội tiết.

Tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp đứng hàng thứ 6 trong các loại ung thư ở phụ nữ với tần suất mắc theo tuổi ở nữ giới là 5,6/100,000 dân, ở nam giới là 1,8/100,000 dân. ung thư tuyến giáp biệt hóa (differentiated thyroid carcinoma) chiếm khoảng 90% các bệnh nhân ung thư tuyến giáp và thường có tiên lượng tốt do bệnh tiến triển chậm, có thể phẫu thuật triệt căn và đáp ứng với điều trị I-131.

Theo suckhoedoisong.vn