Một chén thơm đã gọt sẵn nặng khoảng 165 gram. Trong đó, có 2,31 gram chất xơ, 180 mg kali và 80 mg vitamin C cùng nhiều dưỡng chất quan trọng khác.
Ngoài ra, trong trái thơm còn có bromelain, một loại enzyme tiêu hóa đặc biệt có khả năng tác động đến nồng độ cholesterol trong máu, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Bromelain tập trung nhiều trong trái và thân của cây thơm. Loại enzyme có chức năng tiêu hoá protein. Không những vậy, các nghiên cứu cho thấy bromelain còn có thể phá vỡ các mảng cholesterol tích tụ trong thành động mạch của bạn. Nhờ đó, động mạch được khơi thông hơn và giúp tăng cường lưu thông máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Nutrition & Metabolism phát hiện ăn thơm mỗi ngày có thể giúp ngăn ngừa tăng cholesterol máu. Đây là tình trạng mà nồng độ cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), hay còn gọi là cholesterol "xấu", trong máu tăng cao.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy ăn thơm thường xuyên cũng góp phần giảm cân. Lợi ích này được cho là do lượng chất xơ dồi dào trong thơm giúp tạo cảm giác no lâu. Kiểm soát cân nặng rất quan trọng với sức khỏe tim mạch vì thừa cân, béo phì là một yếu tố đáng kể cho bệnh tim.
Ngoài ra, chất xơ cũng có tác dụng giảm huyết áp và giảm mức cholesterol trong máu, tăng cường sức khỏe tiêu hóa và cải thiện đường ruột. Lượng kali trong thơm còn có tác dụng điều hòa huyết áp và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ.
Ăn quá nhiều có thể gây hại
Cũng như mọi loại thực phẩm khác, thơm dù tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn quá nhiều có thể gây hại. Thơm giàu vitamin C nhưng nếu nạp quá nhiều sẽ khiến cơ thể dư thừa vitamin C và gây ra một số vấn đề đường ruột như buồn nôn, tiêu chảy hoặc ợ nóng. Không những vậy, nạp quá nhiều bromelain cùng lúc cũng có thể dẫn đến tiêu chảy, kinh nguyệt ra máu nhiều hoặc phát ban trên da.
Ngoài ra, những người đang uống thuốc làm loãng máu cũng cần tránh ăn nhiều thực phẩm có bromelain. Nguyên nhân là loại enzyme này có thể ảnh hưởng đến quá trình đông máu.
Một điều khác cũng lưu ý khi ăn thơm là dị ứng thơm. Tình trạng này hiếm gặp. Các triệu chứng của dị ứng thơm là da nổi mề đay, đau dạ dày, nôn mửa, tiêu chảy, sưng mặt, lưỡi, họng, môi, khó thở, chóng mặt, thậm chí sốc phản vệ, theo Healthline.
Theo Thanh niên