1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh co thắt thực quản

Vận động với cường độ phù hợp sẽ giúp người bệnh kiểm soát cân nặng, tăng cường sức khỏe, ngăn ngừa các bệnh mạn tính, nhưng nếu tập không đúng cách sẽ làm trầm trọng thêm triệu chứng của bệnh.

Người bệnh co thắt thực quản thường gặp các triệu chứng như khó nuốt, nghẹn, đau tức khó chịu, trào ngược thức ăn và acid từ dạ dày lên thực quản... Do đó, việc tập thể dục được xem như "con dao hai lưỡi" nếu vận động không đúng cách.

Chính vì vậy, điều quan trọng là đưa ra kế hoạch tập luyện phù hợp với từng bệnh nhân. Bạn có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi tham gia tập luyện để đảm bảo thu được lợi ích tối đa từ hoạt động thể chất, vừa cải thiện tình trạng bệnh, vừa nâng cao thể trạng.

2. Các bài tập phù hợp với người bệnh co thắt thực quản

Người bệnh co thắt thực quản có thể tập luyện các bộ môn như:

- Đạp xe: Đạp xe với tốc độ vừa phải sẽ là bài tập tốt cho người bệnh co thắt thực quản. Hãy lựa chọn các cung đường vắng xe qua lại, đảm bảo an toàn và không khí trong lành để vừa đạp xe, vừa thư giãn. Bạn cũng có thể thử đạp xe tại chỗ tại phòng tập thể dục và lựa chọn tốc độ phù hợp, tránh hiện tượng trào ngược.

- Tập yoga: Yoga là môn tập luyện chậm rãi, nhẹ nhàng, ít tác động, có thể giúp người bệnh cảm nhận cơ thể linh hoạt hơn mà không làm trầm trọng thêm các triệu chứng của co thắt thực quản. Lưu ý, khi tập yoga, bạn nên hạn chế các tư thế lộn ngược như trồng cây chuối, vì điều này có thể dễ gây trào ngược, làm triệu chứng bệnh trầm trọng hơn.

- Bơi lội, thể dục nhịp điệu dưới nước: Bơi lội hay tập thể dục nhịp điệu dưới nước là những bài tập toàn thân rất tốt cho cơ thể do nước tạo thêm sức căng cho cơ thể khi di chuyển, tạo ra trọng lượng mà không cần phải sử dụng dụng cụ khác.

Đi bộ hoặc thực hiện một số bài tập nâng tạ nhẹ: Vận động nhẹ nhàng phù hợp với người bệnh co thắt thực quản để giảm triệu chứng của bệnh. Hạn chế cúi người xuống hoặc thực hiện bất kỳ động tác lộn nhào, đảo ngược.

 
leftcenterrightdel
 Đi bộ là một lựa chọn tốt để tập thể dục đối với người bệnh co thắt thực quản.

3. Lời khuyên khi tập thể dục với người bệnh co thắt thực quản

Để đảm bảo tập luyện đúng cách, không gây hại sức khỏe, người bệnh co thắt thực quản cần lưu ý:

- Tránh các bài tập có tác động mạnh như chạy, nhảy dây, tập cường độ cao ngắt quãng (HIIT)... có thể làm cho các triệu chứng trào ngực trong co thắt thực quản trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, hãy xây dựng kế hoạch tập luyện với cường độ phù hợp với thể trạng và tình trạng bệnh lý của mỗi người (tham khảo ý kiến của bác sĩ).

- Tránh tập thể dục ngay sau khi ăn, việc này có thể khiến tình trạng trào ngược dễ dàng xảy ra. Do đó, bạn nên thực hiện bài tập 2 giờ sau khi ăn do tại thời điểm đó, thức ăn đã di chuyển qua dạ dày và sẽ ít có khả năng trào ngược hơn.

- Tránh bài tập nằm ngửa sẽ khiến trào ngược dễ xảy ra hơn. Bên cạnh đó, bạn nên bỏ qua các bài tập thể dục cường độ cao do có thể gây căng thẳng cho dạ dày.

- Uống đủ nước trong khi tập thể dục để giữ nước và hỗ trợ tiêu hóa.

Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, thắt lưng chặt gây thêm áp lực lên bụng và triệu chứng trào ngược.

Theo suckhoedoisong.vn