Gaza - nghĩa địa của trẻ em
Hàng chục thi thể nằm trên sân, bên ngoài al-Shifa - bệnh viện lớn nhất Gaza - cạnh một chiếc xe tải đông lạnh màu xanh lam đã không còn khả năng làm mát. Hầu hết các thi thể được bọc trong những tấm mền vì bệnh viện đã hết túi đựng màu trắng. Một cánh tay bị bỏng nặng nhô ra khỏi một chiếc mền. Ở nơi khác, thi thể cháy đen của một đứa trẻ hiện rõ giữa những tấm mền mỏng.
|
Trẻ sơ sinh tại Bệnh viện al-Shifa được xếp cạnh nhau trên giường, sau khi được đưa ra khỏi lồng ấp vì mất điện - Ảnh: Reuters |
Bên trong một phòng phẫu thuật tối tăm, các nhân viên y tế đã dồn hàng chục trẻ sinh non vào một chiếc giường trong nỗ lực tuyệt vọng để giữ ấm, duy trì sự sống cho chúng. Không có nguồn cung cấp ô xy và năng lượng cho lồng ấp, các y tá đã cố gắng chăm sóc tốt nhất có thể. 3 ngày qua, đã có 32 bệnh nhân - trong đó có 6 trẻ sinh non - đã chết. Trong khi đó, các bác sĩ bám trụ lại bệnh viện đang phải chiến đấu từng giây phút để giữ hơi thở cho 33 trẻ sinh non còn lại và hàng trăm bệnh nhân đang ngoi ngóp.
Các bác sĩ lên án việc Israel tấn công Bệnh viện al-Shifa, khi những đứa trẻ sinh non bắt đầu chết sau khi lồng ấp của chúng ngừng hoạt động. Hình ảnh những đứa trẻ sơ sinh yếu ớt được quấn mền và xếp trên giường sau khi bị đưa ra khỏi lồng ấp đã trở thành hình ảnh thảm khốc khiến cả thế giới xót xa.
Người phát ngôn Bộ Y tế Palestine Ashraf al-Qudra cho biết: hơn 100 thi thể, trong đó phần lớn là trẻ em đang phân hủy bên trong bệnh viện, chờ được chôn cất. “Bệnh viện không còn hoạt động như một bệnh viện nữa. Thế giới không thể im lặng khi các bệnh viện - lẽ ra là nơi trú ẩn an toàn - lại biến thành nơi chết chóc, tàn phá và tuyệt vọng” - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Hầu hết các bệnh viện ở phía bắc Gaza hiện không còn hoạt động. Những nhân viên y tế bám trụ lại vì bệnh nhân và họ không thể rời đi. Muhammad Abu Salmiya - Giám đốc Bệnh viện al-Shifa - mệt mỏi: “Bệnh nhân đang chết từng phút, ngay cả những đứa trẻ trong lồng ấp. Chúng tôi buộc phải xếp trẻ sinh non trên những chiếc giường bình thường, sử dụng nguồn điện ít ỏi để chạy điều hòa nhằm giữ ấm cho chúng”. Bệnh viện Nhi Đồng al-Nasr và Bệnh viện chuyên khoa Nhi al-Rantisi cũng không thể hoạt động nếu không được hỗ trợ y tế. Mustafa al-Kahlout - người đứng đầu cả 2 bệnh viện - cho biết: “Chúng tôi bị bao vây hoàn toàn và chúng tôi không thể rời đi, trong khi mọi thứ trong bệnh viện đã hết. Chúng tôi dự kiến sẽ mất nhiều người hơn mỗi ngày”.
Tổng giám đốc WHO đã cảnh báo về tình trạng “thảm khốc và nguy hiểm” tại các bệnh viện ở Gaza, khi trẻ em và trẻ sinh non đang chết “một cách bi thảm”. Trước đó, Tổng thư ký Liên hiệp quốc (LHQ) António Guterres đã cảnh báo rằng dải Gaza đang trở thành “nghĩa địa cho trẻ em” khi ông một lần nữa kêu gọi ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức để cho phép viện trợ vào Gaza để cứu trợ. “Chúng ta phải hành động ngay bây giờ để tìm cách thoát khỏi ngõ cụt khủng khiếp và đau đớn này. Hàng trăm trẻ đã thiệt mạng hoặc bị thương mỗi ngày”.
“Tôi không biết mình sẽ sinh con ở đâu”
Noor Hammad (24 tuổi) hiện đang phải đối mặt với ca sinh nở đau thương và khởi đầu đầy khó khăn cho đứa con đầu lòng. Trước ngày 7/10 định mệnh, Noor Hammad đi làm hằng ngày tại một phòng khám ở Deir al-Balah ở trung tâm Gaza, nơi cô là chuyên gia dinh dưỡng. Hammad và chồng đã lên kế hoạch sinh đứa con đầu lòng vào đầu năm mới 2024 và đã trang trí phòng ngủ để sẵn sàng chào đón con cưng. Giờ thì phòng ngủ không còn nữa. Nhà của họ bị phá hủy trong các cuộc không kích. Hammad hiện đang sống nhờ ở nhà chị gái, nơi cô ngủ trên sàn cùng với 25 thành viên khác trong gia đình.
Sự háo hức chờ đợi đứa con đã thay bằng sự lo lắng về an toàn sức khỏe của thai nhi và việc cô sẽ sinh con như thế nào ở vùng chiến sự. “Tôi không biết mình sẽ sinh con gái ở đâu và sẽ đón con như thế nào nếu không có nơi ở hay quần áo. Tôi không có gì cả” - cô nói.
Khoảng 50.000 phụ nữ mang thai ở Gaza đang đứng trước viễn cảnh sinh nở đáng lo ngại khi hầu hết bệnh viện đã ngừng hoạt động. Theo LHQ, khoảng 5.500 người sẽ sinh con trong tháng Mười một. Hiện trung bình mỗi ngày có hơn 180 phụ nữ sinh con mà không được chăm sóc đầy đủ, bao gồm cả những ca sinh mổ mà không có thuốc giảm đau. Nhiều thai phụ khác phải sinh con ở nơi trú ẩn, tại nhà, thậm chí giữa đống đổ nát trên đường phố.
“Nguy cơ nhiễm trùng, biến chứng, tử vong sau sinh đang gia tăng. Tổn thương mà phụ nữ gánh chịu đối với sức khỏe sinh sản ngày càng nhiều, khi xuất hiện các trường hợp sảy thai, thai chết lưu, sinh non do căng thẳng. Tử vong ở các bà mẹ dự kiến sẽ tăng lên do không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc đầy đủ. Khi các bệnh viện phải tắt những thiết bị cuối cùng do thiếu năng lượng, các khu sơ sinh chìm trong bóng tối, còn trẻ sơ sinh và các bà mẹ phải chịu đựng. Đây là một trong những thảm kịch đáng buồn nhất nhưng thực ra lại có thể ngăn chặn dễ dàng” - tiến sĩ Zaher Sahloul - Chủ tịch nhóm viện trợ MedGlobal - cho biết.
Hammad đã chứng kiến sự hỗn loạn hằng ngày mà các nhân viên y tế phải đối mặt khi làm tình nguyện viên tại Bệnh viện Nasser ở Gaza. Cô nói: “Các bệnh nhân đang được điều trị ở sân và hành lang bệnh viện. Các ca phẫu thuật được thực hiện mà không được khử trùng hoặc gây mê. Tôi chưa sẵn sàng sinh con chút nào, vì các bệnh viện hiện tại không tiếp nhận những trường hợp sinh đẻ mà ưu tiên cho những người bị thương nặng”. Hammad chia sẻ, cô và những thai phụ khác đang sống trong tâm trạng lo sợ bởi tương lai còn quá mù mịt. “Chúng tôi không thể diễn tả được mức độ đau khổ của mình. Tất cả những giấc mơ của chúng tôi đã bị phá hủy. Tôi hy vọng cuộc xung đột sẽ kết thúc và tôi có thể sinh con gái trong hòa bình. Chừng đó đau thương là quá đủ rồi”.
Hiểm nguy rình rập nhân viên y tế và tình nguyện viên
Sáng 13/11, cơ quan LHQ đã dành 1 phút mặc niệm để tưởng nhớ 101 nhân viên của mình đã ngã xuống ở Gaza kể từ ngày 7/10. Đây là con số tổn thất lớn nhất trong lịch sử 78 năm hoạt động của tổ chức này. Nhân viên tại các văn phòng của LHQ ở Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ) cúi đầu khi 1 ngọn nến được thắp lên, lá cờ của LHQ trên khắp thế giới được hạ xuống nửa cột.
|
Cờ Liên hiệp quốc treo rủ tại trụ sở ở Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ vào ngày 13/11 để tưởng nhớ 101 nhân viên thiệt mạng tại Gaza - Ảnh: Reuters |
Tatiana Valovaya - Tổng giám đốc Văn phòng LHQ tại Giơ-ne-vơ - cho biết: “Hôm nay, chúng ta tập trung ở đây, đoàn kết tại địa điểm mang tính biểu tượng này, để bày tỏ lòng kính trọng đối với những đồng nghiệp dũng cảm, những người đã hy sinh mạng sống khi phục vụ dưới lá cờ LHQ”.
Tình nguyện viên y tế Fikri Rofiul Haq từ Bệnh viện Indonesia - do Ủy ban Cứu hộ khẩn cấp y tế (MER-C) của Indonesia quản lý - cho biết: “Khi bắt đầu chiến tranh, chúng tôi vẫn có thể nhận được một số hàng hóa từ khu vực xung quanh bệnh viện, nhưng hiện tại nhân viên chỉ được ăn 1 bữa mỗi ngày vào giờ trưa. Đối với bữa sáng và bữa tối, nhân viên ăn bánh quy hoặc chà là”.
Haq tiết lộ, anh cảm thấy đặc biệt lo sợ sau chuyến đi tìm nguồn cung cấp y tế cho bệnh viện quanh khu vực. Anh nói: “Tôi cảm thấy sợ hãi và cam chịu số phận của mình. Chúng tôi phải ở tạm trong những tòa nhà thuộc sở hữu của người dân địa phương và đạn pháo từ phía quân đội Israel đang san bằng khu vực này”.
Sau chuyến đi đầy nguy hiểm, Haq và các tình nguyện viên khác chọn ở lại trong khuôn viên bệnh viện vì sự an toàn của họ. Anh chia sẻ: “Ở lại trong khuôn viên bệnh viện, tôi cảm thấy an toàn hơn, vì quân đội Israel chưa trực tiếp tấn công nơi này. Dù vậy, khu vực xung quanh bệnh viện đang bị bắn phá liên tục và tôi cảm thấy rất sợ hãi mỗi khi tiếng bom đạn vang lên”.
Tấn Vĩ (theo Al Jazeera, Reuters, BBC)
|
Theo phụ nữ TPHCM