Mới đây, các nhà nghiên cứu từ Bệnh viện Nhi C.S. Mott thuộc Đại học Michigan Health (Mỹ) đã khảo sát gần 1.000 người lớn có con từ 13-17 tuổi trên toàn quốc để tìm hiểu thói quen tiêu thụ protein của chúng. Kết quả cho thấy có 41% phụ huynh nói rằng con họ đã sử dụng thực phẩm bổ sung protein trong năm qua. Các chất bổ sung bao gồm thanh protein (29%), sữa lắc (23%) và bột protein (15%). Trong đó, khoảng 1/4 trường hợp thừa nhận rằng con họ - chủ yếu là con trai - dùng thực phẩm bổ sung protein gần như hằng ngày, theo Health.

leftcenterrightdel
 Các vận động viên có thể dùng thực phẩm bổ sung protein vì nhu cầu phục hồi cơ bắp

Nguyên nhân đằng sau sự “bùng nổ” protein

Nhìn chung, thanh thiếu niên cho rằng protein có mối liên kết chặt chẽ với ngoại hình, sự thể hiện và sức khỏe tổng thể. Thế nhưng cuộc khảo sát lại cho thấy lý do nhóm người này tìm đến protein có xu hướng liên quan đến giới tính.

Ví dụ, khoảng 55% cha mẹ của các bé trai cho biết con mình sử dụng thực phẩm bổ sung để tăng cơ hoặc cải thiện hiệu suất thể thao. Con số này ở phụ huynh của các bé gái chỉ rơi vào 18% với mục đích tương tự. Mặt khác, 34% phụ huynh của các bé gái nói rằng con họ dùng thực phẩm bổ sung để thay thế bữa ăn khi quá bận rộn, giảm cân hoặc giúp chế độ ăn uống lành mạnh hơn. Trong khi đó, chỉ có 18% phụ huynh của các bé trai nêu cùng lý do trên.

Tiến sĩ Dana Ellis Hunnes, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng cấp cao tại UCLA Health (Mỹ), chia sẻ với Health rằng: “Thực phẩm bổ sung protein ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt là trong 3 thập kỷ qua. Vào đầu những năm 2000, có một số loại thực phẩm bổ sung protein được dùng chủ yếu cho các vận động viên, nhưng hiện nay chúng lại xuất hiện ở khắp mọi nơi”.

Một tác động khác là các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok, nơi những người có ảnh hưởng về thể dục và dinh dưỡng đôi khi khuyến khích người xem tiêu thụ lượng protein vượt xa lượng khuyến nghị.

“Số ít phụ huynh cho biết mạng xã hội là nguyên nhân khiến con họ muốn tiêu thụ thêm nhiều protein. Trên thực tế, con số này có thể cao hơn”, thạc sĩ Sarah J. Clark, đồng giám đốc Cuộc thăm dò về Sức khỏe trẻ em của Bệnh viện Nhi C.S. Mott, nói.

leftcenterrightdel
 Protein tự nhiên từ thực phẩm hằng ngày, đặc biệt là thịt gà, đủ cho nhu cầu dinh dưỡng của thanh thiếu niên

Dư protein… không có lợi!

Protein là một chất dinh dưỡng đa lượng - hay nói cách khác là chất mà chúng ta cần với số lượng lớn - giúp xây dựng cơ và xương, đồng thời hỗ trợ chức năng miễn dịch, hồi phục tế bào…

Mặc dù nhu cầu về lượng protein cụ thể hằng ngày phụ thuộc vào các yếu tố như chiều cao, cân nặng và mức độ hoạt động, nhưng Viện Hàn lâm Nhi khoa (Mỹ) khuyến nghị rằng thanh thiếu niên từ 11-14 tuổi nên tiêu thụ 0,5 gram protein cho mỗi pound (tương đương khoảng 0,5 kg) trọng lượng cơ thể mỗi ngày. Nhu cầu này càng giảm dần đối với các thanh thiếu niên có độ tuổi càng lớn.

Tuy nhiên, thực phẩm bổ sung không phải lúc nào cũng là lựa chọn tốt nhất mặc dù chúng thường được biết là bổ dưỡng. Thạc sĩ Clark cho biết hàm lượng đường trong thanh protein có thể ngang với một thanh kẹo; một số chất bổ sung protein cũng có khả năng chứa thành phần thảo dược, caffeine hoặc các chất kích thích khác.

Thanh thiếu niên hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu protein hằng ngày của cơ thể bằng chế độ ăn uống thông thường. Các loại thực phẩm như thịt (nhất là thịt gà), sữa ít béo, sữa chua và bơ đậu phộng đều là nguồn cung cấp protein tốt, cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất.

“Đối với hầu hết trẻ vị thành niên, không có lý do chính đáng nào để dùng chất bổ sung chỉ vì muốn tăng cường protein. Cung cấp quá nhiều protein mà cơ thể có thể sử dụng sẽ không có lợi ích gì. Nó sẽ không giúp bạn nhanh nhẹn hơn, khỏe hơn hay chơi thể thao giỏi hơn mà sẽ chỉ chuyển hóa thành chất béo”, chuyên gia Clark giải thích.

Tuy nhiên, chuyên gia Clark cũng thừa nhận rằng thực phẩm bổ sung có thể hữu ích đối với một số đối tượng, chẳng hạn như những người thiếu cân hoặc quá năng động.

Chuyên gia Clark cho biết: “Chất bổ sung protein có thể phù hợp với những thanh thiếu niên thường xuyên tham gia các hoạt động thể chất mạnh mẽ, chẳng hạn như những vận động viên bơi lội ở trường trung học có tần suất tập luyện cao, những cầu thủ bóng đá, nâng tạ nhiều lần mỗi tuần hoặc những vận động viên 3 môn phối hợp. Đối với những thanh thiếu niên này, việc thêm bột protein vào sinh tố hoặc sữa có thể giúp phục hồi cơ bắp”.

Chung quy lại, không có quy tắc nào nói rằng thanh thiếu niên nên tránh dùng chất bổ sung protein, nhưng tốt nhất là nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để xác định xem chúng có cần thiết hay không. Tuy nhiên, nên nhớ một điều quan trọng là “bạn hoàn toàn có thể đạt được nhiều mục tiêu về sức khỏe bằng các loại thực phẩm chất lượng”, chuyên gia Clark khẳng định.

Theo suckhoedoisong.vn