Trong thông báo trên mạng xã hội X, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này cùng Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, chính phủ các nước và các đối tác đang tăng cường ứng phó với đợt bùng phát đậu mùa khỉ.
Ông Tedros cho biết: “Tôi đang cân nhắc việc triệu tập một ủy ban khẩn cấp để đánh giá khả năng tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu đối với đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, vốn đang khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Tuy nhiên, cần thêm kinh phí và hỗ trợ để có phản ứng toàn diện”.
|
|
Ảnh chụp bằng kính hiển vi điện tử cho thấy các hạt đậu mùa khỉ (màu đỏ) được tìm thấy bên trong một tế bào bị nhiễm bệnh (màu xanh) nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Kenya và Cộng hòa Trung Phi đã tuyên bố các đợt bùng phát mới của bệnh đậu mùa vào ngày 31/7, giữa lúc các quan chức y tế của châu Phi đang chạy đua để ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này trong tình cảnh thiếu vắc xin - Ảnh: AP |
Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm, lần đầu tiên được xác định ở người vào năm 1970 tại Congo. Bệnh này đã xuất hiện trong nhiều năm ở một số quốc gia Tây và Trung Phi, khi vi rút lây truyền từ động vật bị nhiễm bệnh sang người.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi báo cáo rằng bệnh đậu mùa khỉ đã được xác định ở 10 quốc gia châu Phi trong năm 2024. Gần đây nhất, Burundi và Rwanda lần đầu tiên ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ. Các đợt bùng phát mới cũng được công bố trong tuần qua tại Kenya và Cộng hòa Trung Phi.
Bộ Y tế Kenya cho biết họ đã tìm thấy vi rút đậu mùa khỉ ở một hành khách đi từ Uganda đến Rwanda tại cửa khẩu biên giới ở miền nam Kenya. Trong một tuyên bố, bộ này cho biết chỉ cần 1 trường hợp cũng đủ để quốc gia tuyên bố bùng phát dịch bệnh.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi ghi nhận hơn 14.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ. Hơn 96% các trường hợp và ca tử vong là ở Cộng hòa Dân chủ Congo.
Đầu năm 2024, các nhà khoa học báo cáo về sự xuất hiện của một dạng đậu mùa khỉ mới tại một thị trấn khai thác mỏ của Congo. Họ lo ngại rằng nó có thể lây lan dễ dàng hơn giữa người với người. Bềnh thường lây lan qua tiếp xúc gần với người bị nhiễm bệnh, bao gồm cả quan hệ tình dục.
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi cho biết tỉ lệ tử vong do bệnh đậu mùa khỉ quanh khu vực rơi vào khoảng 3%, cao hơn nhiều so với phần còn lại của thế giới. Trong trường hợp khẩn cấp toàn cầu về đậu mùa khỉ vào năm 2022, chưa đến 1% số người bị nhiễm bệnh tử vong.
Đáng lo ngại, phiên bản đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo có thể giết chết tới 10% số bệnh nhân. Một nghiên cứu về những bệnh nhân đậu mùa khỉ nhập viện từ tháng 10/2023 đến tháng 1/2024 ở miền đông Congo cho thấy những thay đổi di truyền gần đây trong vi rút là kết quả của sự lây lan liên tục ở người.
Trong các đợt bùng phát trước, bệnh nhân bị tổn thương chủ yếu ở ngực, tay và chân. Dạng đậu mùa khỉ mới gây ra các triệu chứng ít nghiêm trọng hơn và các tổn thương chủ yếu xuất hiện ở bộ phận sinh dục.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, gần 70% trường hợp nhiễm bệnh ở Congo là ở trẻ em dưới 15 tuổi. Nhóm này cũng chiếm 85% số ca tử vong do căn bệnh. Cơ quan này cho biết thêm, số ca tử vong trên khắp lục địa đã tăng 19% so với năm 2023.
Vào tháng Năm, WHO cho biết chưa có nhà tài trợ nào cung cấp tiền để chống lại sự lây lan của đậu mùa khỉ.
Liên minh Đổi mới chuẩn bị phòng chống dịch bệnh - một tổ chức viện trợ có trụ sở tại Na Uy - gần đây đã bắt đầu nghiên cứu vắc xin đậu mùa khỉ tại Congo và các quốc gia châu Phi khác.
Mục đích của nghiên cứu là tìm hiểu xem liệu việc tiêm vắc xin ngay sau khi nhiễm bệnh có thể ngăn ngừa được mức độ nghiêm trọng của bệnh hay không.
Theo phụ nữ TPHCM