Kẽm là một vi chất dinh dưỡng cần thiết, có vai trò quan trọng đối với sức khoẻ. Kẽm tham gia vào hoạt động của các enzym phân chia tế bào, phát triển cơ thể và chức năng miễn dịch, điều hòa vị giác. Kẽm là thành phần không thể thiếu đối với cơ thể trẻ trong những năm đầu đời. Thiếu kẽm là tình trạng kẽm trong cơ thể giảm thấp, gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển bình thường của cơ thể, làm suy giảm các chức năng, trong đó có hệ miễn dịch, tiêu hóa, thần kinh, nội tiết, xương, cơ và sự trưởng thành giới tính.
Biểu hiện trẻ bị thiếu kẽm
Biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ dưới nhiều hình thức khác nhau và tùy thuộc cơ địa của trẻ. Tuy nhiên, nhìn chung khi bị thiếu kẽm thì trẻ thường có các biểu hiện sau:
- Nếu thiếu kẽm ở mức độ nhẹ và vừa:
Trẻ thiếu kẽm ở mức độ nhẹ và vừa sẽ có biểu hiện ăn uống kém, kết hợp với các rối loạn có hại khác đi kèm (các dấu hiệu lâm sàng không đặc hiệu) có thể xảy ra khi thiếu kẽm như:
+ Biểu hiện thiếu dinh dưỡng: Trẻ chậm tăng trưởng, chậm tăng trưởng chiều cao, suy dinh dưỡng nhẹ và vừa.
+ Biểu hiện rối loạn tiêu hóa và chuyển hoá: Trẻ sẽ có biểu hiện chán ăn kèm giảm ăn, giảm bú. (Suy giảm tiêu thụ năng lượng). Chán ăn chọn lọc với thịt cá (không ăn thịt cá). Trẻ có biểu hiện chậm tiêu, táo bón nhẹ, buồn nôn và nôn kéo dài ở trẻ em.
+ Biểu hiện rối loạn tâm - thần kinh: Trẻ sẽ có biểu hiện rối loạn giấc ngủ (trằn trọc khó ngủ, mất ngủ, thức giấc, khóc đêm kéo dài); Suy nhược (đau đầu, thần kinh dễ bị kích thích, giảm trí nhớ…). Rối loạn cảm xúc (thờ ơ lãnh đạm, trầm cảm, thay đổi tính tình). Rối loạn vị giác và khứu giác, giảm cảm giác thèm ăn. Tăng động, khuyết tật, bại não, chậm phát triển tâm thần vận động. Suy yếu hoạt động của não, mơ màng chậm chạp, hoang tưởng, chứng mất điều hòa lời nói.
+ Biểu hiện suy giảm khả năng miễn dịch: Ở trẻ thiếu kẽm có thể có nhiễm trùng đường hô hấp tái diễn (viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm phổi tái đi tái lại). Viêm đường tiêu hóa, tiêu chảy. Viêm da, mụn bỏng, mụn mủ, viêm niêm mạc.
+ Biểu hiện tổn thương biểu mô: Trẻ sẽ bị khô da, viêm da vùng mặt trước hai chi dưới, nám da, bong da, dày sừng và nứt da gót hai bên. Viêm niêm mạc miệng, viêm lưỡi (lưỡi bản đồ). Vết thương chậm lành (bỏng, lở loét do nằm lâu). Dị ứng da, ngứa vùng mắt, tai (trẻ hay dụi mắt, dụi tai.), dày sừng nang lông. Loạn dưỡng móng, viêm mé móng. Tóc giòn dễ gãy rụng, hói tóc.
+ Biểu hiện tổn thương về mắt: Trẻ sẽ sợ ánh sáng, khô mắt. Mất khả năng thích nghi với bóng tối, mù vào ban đêm, quáng gà.
- Nếu thiếu kẽm nặng:
Tình trạng thiếu kẽm nặng ở trẻ sẽ có những tổn thương da điển hình trong bệnh viêm ruột da đầu chi, với các biểu hiện như:
+ Xuất hiện tình trạng viêm da, dày sừng, sạm và bong da mặt ngoài hai cẳng chân (vẩy cá), hói, loạn dưỡng móng (móng nhăn, có vệt trắng, chậm mọc),
+ Biểu hiện loét giác mạc và viêm quanh lỗ tự nhiên (hậu môn, âm hộ) cùng với tiêu chảy thường kết hợp với nhiễm trùng thứ cấp với Candida Albicans hoặc Staphylococcus Aureus…
+ Có tăng nhạy cảm với bệnh nhiễm trùng (gây nhiễm trùng tái diễn.)
+ Kích thích thần kinh, rối loạn nhận thức, chứng ngủ lịm tâm thần.
+ Chậm phát triển tâm thần vận động.
+ Chậm phát triển giới tính, giảm năng tuyến sinh dục, ít tinh trùng, bệnh bất lực.
+ Suy dinh dưỡng nặng.
Dự phòng thiếu kẽm ở trẻ, cha mẹ cần làm gì?
Trên thực tế, với đặc điểm kẽm thường không dự trữ lâu, có đời sống sinh học khá ngắn (khoảng 12,5 ngày) nên cơ thể trẻ dễ bị thiếu nếu khẩu phần ăn hàng ngày không cung cấp đủ.
Ngoài ra, ở trẻ hay mắc các bệnh lý tiêu chảy, bệnh nhiễm trùng… là nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt kẽm. Nếu trong suốt thai kỳ và sau khi sinh, lượng kẽm người mẹ cung cấp cho cơ thể không đủ nhu cầu, sẽ dẫn đến tình trạng thiếu kẽm ở trẻ.
Vì vậy, để dự phòng thiếu kẽm ở trẻ, cha mẹ cần chú ý chọn thức ăn giàu kẽm ngay từ khi mang thai, sau sinh và cả quá trình nuôi trẻ. Cha mẹ cần thực hiện việc nuôi con bằng sữa mẹ. Không cai sữa sớm trước 12 tháng.
Thời kỳ ăn dặm cần cho trẻ ăn đầy đủ và đa dạng các loại thực phẩm, nhất là thức ăn có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng, sữa, hải sản. Cần chú ý đến thực hành vệ sinh an toàn thực phẩm, dùng thực phẩm tươi, đảm bảo vitamin và khoáng chất.
Ngoài ra, trẻ mắc các bệnh tiêu chảy, nhiễm trùng cần được thăm khám và điều trị sớm. Quá trình điều trị cần chú ý đến chế độ ăn giàu kẽm, nhất là khi mắc bệnh nhiễm trùng, tiêu chảy.
Phòng ngừa thiếu dinh dưỡng ở trẻ khiến trẻ suy dinh dưỡng, nếu cần thiết phải cho trẻ đi khám để các bác sĩ hướng dẫn chế độ chăm sóc hoặc kê đơn bổ sung kẽm. Tuyệt đối cha mẹ không tự ý mua thực phẩm chức năng, chế phẩm cho trẻ uống, dẫn đến liều lượng không đúng hoặc có thể dư thừa, sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ.
Theo số liệu điều tra dinh dưỡng toàn quốc của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trong 10 trẻ em dưới 6 tuổi có đến 7 trẻ bị thiếu kẽm (chiếm khoảng 70%). Đây là con số đáng quan tâm về tình trạng thiếu kẽm ở trẻ nhỏ, cần được can thiệp kịp thời để tránh những hậu quả sau này. |
Theo suckhoedoisong.vn