leftcenterrightdel
 Các gia đình có con nhỏ thường lo lắng khi con sổ mũi, ho hoặc sốt. Ảnh:Healthychildren

Vickie Leon, bà mẹ 2 con ở Aurora, Colorado, Mỹ, cho biết đôi khi, con cô (4 và 2 tuổi) có thể đến trường khoẻ mạnh trong 1-2 tháng. Nhưng cũng có những lúc, gia đình họ liên tục nhiễm virus, cách đợt chỉ cách nhau một tuần. “Một khi bị bệnh, chúng tôi chỉ ốm trong thời gian ngắn”, Leon cho hay.

Thực tế, tại Mỹ, hệ thống chăm sóc sức khỏe đang bị quá tải với các trường hợp nhiễm vi rút đường hô hấp RSV có thể gây sổ mũi, chán ăn, ho, hắt hơi, sốt và thở khò khè.

Tình trạng nhiễm virus luôn phổ biến. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết hầu như tất cả trẻ em đều nhiễm RSV trước khi lên 2 tuổi. Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư khoa Truyền nhiễm tại trường Y Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, cho biết khả năng miễn dịch phát triển sau khi nhiễm virus thường suy yếu dần theo thời gian. Do đó, mọi người thường mắc bệnh truyền nhiễm nhiều lần trong đời.

Thách thức về sức khỏe cộng đồng năm nay là trong khi nhiều trẻ em ở nhà để phòng, chống Covid-19, chúng cũng bị cách ly khỏi RSV, nghĩa là nhiều trẻ em đang bị nhiễm trùng lần đầu và do đó là nghiêm trọng nhất, tiến sĩ Leana Wen, nhà phân tích Y tế của CNN, cho biết. Bà Wen cũng là bác sĩ cấp cứu, giáo sư Quản lý và Chính sách y tế tại trường Y tế Công cộng Viện Milken thuộc Đại học George Washington.

Tiến sĩ Schaffner, đồng thời là Giám đốc Y tế của Tổ chức Quốc gia về Bệnh truyền nhiễm, cho biết nhiễm RSV thường nhẹ nhưng vẫn có thể đáng lo ngại cho trẻ nhỏ, trẻ em mắc bệnh tiềm ẩn và người lớn tuổi.

Tiến sĩ Wen bổ sung điều đó không có nghĩa người dân phải hoảng sợ. Nhiễm RSV và các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn khác là một phần trong quá trình trẻ lớn lên và phát triển hệ thống miễn dịch.

Vì thế, để phụ huynh yên tâm các chuyên gia gợi ý cách đánh giá khi nào nên cho con nghỉ học và khi nào nên đến bác sĩ nhi khoa.

leftcenterrightdel
 Nhiều người phân vân về việc lúc nào nên cho con ở nhà khi bị ốm. Ảnh:Adobe Stock. 

Cảm lạnh, cúm, Covid hay RSV?

Tiến sĩ Schaffner cho biết rất nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát trong mùa đông này như cảm lạnh, cúm, viêm họng liên cầu khuẩn, RSV và Covid-19. Chúng thường có triệu chứng giống hoặc gần giống nhau. Ông nói thêm ngay cả những bác sĩ lành nghề cũng có thể gặp khó khăn khi phân biệt chúng trong quá trình khám cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, tiến sĩ Wen khẳng định các bác sĩ nhi khoa được trang bị và thực hành tốt để điều trị các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên, ngay cả khi không thể phân biệt chính xác nguyên nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn nào.

Theo bà, bất kể loại virus hoặc vi khuẩn nào đang gây ra chứng sổ mũi, đau đầu hoặc đau họng trong gia đình, việc điều trị đều căn cứ vào độ tuổi, triệu chứng và tình trạng sức khỏe của trẻ.

Có nên cho con nghỉ học?

Tiến sĩ Schaffner cho biết lý tưởng nhất là các chuyên gia y tế công cộng sẽ muốn những trẻ có triệu chứng ốm nên ở nhà, tránh đến trường hay nhà trẻ để không lây bệnh cho trẻ khác. Tuy nhiên, ông thừa nhận với các gia đình, đặc biệt với ông bố, bà mẹ đơn thân, đây không phải lúc nào cũng là lời khuyên thiết thực nhất.

Ông nói thêm việc xét nghiệm tại nhà sẽ xác định liệu trẻ mắc Covid-19 hay không. Nhưng đối với các loại virus khác như cảm lạnh, gia đình có thể không có cách nào để biết chắc chắn.

Tiến sĩ Wen cho biết một số triệu chứng thực sự có thể báo hiệu đã đến lúc phải cho con bạn nghỉ học hoặc nghỉ ở nhà bao gồm sốt cao, nôn mửa, tiêu chảy, khó ăn, ngủ kém hoặc khó thở.

Donna Mazyck, y tá có giấy phép hành nghề, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Y tá Trường học Quốc gia, chia vấn đề này thành 2 yếu tố chính cần cân nhắc: Trẻ có bị sốt và trẻ có quá yếu để tham gia học tập đầy đủ không.

Các gia đình cũng nên kiểm tra hướng dẫn của trường học. Một số hướng dẫn có thể nêu chi tiết về thời điểm trẻ cần nghỉ học ở nhà, trong khi những hướng dẫn khác sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào phán đoán của phụ huynh.

“Khi nghi ngờ, cha mẹ hãy tham khảo các chính sách của trường và lên kế hoạch với bác sĩ nhi khoa”, tiến sĩ Wen nói.

Và đối với những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn do các tình trạng bệnh lý khác, phụ huynh hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa để biết phải làm gì.

leftcenterrightdel
Trẻ có thể ngăn ngừa mầm bệnh lây lan bằng cách đơn giản như rửa tay bằng xà phòng, ho, hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy. Ảnh:UNICEF.  

Thời gian cho con đi học trở lại

Một lần nữa,các trường học có thể có chính sách khác nhau và điều quan trọng là phải kiểm tra thông tin bằng văn bản hoặc thông qua quản lý hay y tá trường học, bà Wen nói.

Bà lưu ý: “Thông thường, các trường sẽ yêu cầu trẻ hết sốt mà không cần dùng thuốc hạ sốt trước khi trở lại lớp học”.

Wen cho biết đối với trẻ em bị hen suyễn hoặc dị ứng, việc cho chúng nghỉ học bất cứ khi nào chúng có bất kỳ triệu chứng ho hoặc sụt sịt mũi là không hợp lý. Điều đó rất có thể bắt con ở nhà đến nửa năm.

Và một số triệu chứng, chẳng hạn ho liên tục, có thể kéo dài khi hết nhiễm trùng và trẻ hồi phục. Mazyck cho rằng trong những trường hợp đó, cha mẹ có thể cho con trở lại trường học. Điều quan trọng, họ phải kiểm tra các hướng dẫn của trường.

Trường hợp cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế

Tiến sĩ Schaffner cho biết các gia đình thường có thói quen đưa con đến gặp bác sĩ nhi khoa khi trẻ có vẻ không khỏe. Ông nói thêm với tình hình hiện tại, việc cho con đi khám sớm sẽ tốt hơn để muộn.

Vị chuyên gia cho hay nếu trẻ có vẻ lờ đờ, bỏ ăn hoặc khó thở, cha mẹ và người chăm sóc cũng nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa và tìm kiếm sự chăm sóc y tế - đặc biệt nếu các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn. Ông nhấn mạnh đây không phải là lúc cha mẹ do dự.

Tiến sĩ Wen bổ sung đối với trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh, cha mẹ nên đưa con đến phòng cấp cứu nếu còn gặp khó khăn trong việc hấp thụ chất lỏng, tã khô, lỗ mũi phập phồng, khó thở, lồng ngực co thắt khi đáng lẽ phải nở ra.

Tiến sĩ Wen nói thêm các gia đình nên tìm cách điều trị khẩn cấp cho những đứa trẻ ở độ tuổi đi học gặp khó khăn khi thở và nói không tròn câu. Tiến sĩ Schaffner cho biết may mắn thay, hầu hết sẽ không cần điều trị khẩn cấp, những người cần điều trị thường trở về nhà và khỏe mạnh sau vài ngày.

“Cha mẹ nên biết rằng điều trị RSV và các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác là mục tiêu chính của các bác sĩ nhi khoa và bác sĩ cấp cứu. Đây là những gì chúng ta làm”, tiến sĩ Wen nhấn mạnh.

Cách ngăn ngừa bệnh tật

Để ngăn ngừa các bệnh về đường hô hấp, gia đình hãy dạy con sử dụng các biện pháp vệ sinh mà chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã khuyến khích từ rất lâu trước khi xảy ra đại dịch, như rửa tay, sử dụng chất khử trùng tay khi không có bồn rửa, ho và hắt hơi vào khuỷu tay hoặc khăn giấy, không chia sẻ thức ăn hoặc đồ dùng với bạn bè.

Tiến sĩ Schaffner cho biết Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ vẫn chưa có vaccine RSV được phê duyệt. Tuy nhiên, thế giới đã có loại vaccine hiệu quả đối với bệnh cúm và Covid-19.

Ông nói thêm nếu con chưa được tiêm vaccine, phụ huynh hãy nói chuyện với bác sĩ về việc bảo vệ chúng khỏi những loại virus này.

Theo zingnews