Sau gần 20 kỳ chuyên mục Ăn ngon - Sống khỏe được đăng tải, chúng tôi vẫn tiếp tục nhận được nhiều quan tâm của độc giả. Rất nhiều câu hỏi được gửi về tòa soạn như một minh chứng cho việc sử dụng thực phẩm đóng gói hiện nay là một nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống. Sử dụng thực phẩm đóng gói đúng cách vừa tiện lợi, an toàn mà mỗi bữa ăn còn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

Chúng tôi xin tạm khép lại chuyên mục này bằng bài phỏng vấn thạc sĩ, bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường - giảng viên bộ môn dinh dưỡng thực phẩm Trường đại học Y Dược TPHCM - hy vọng sẽ thỏa mãn được phần nào những thắc mắc và tiếp tục nhận được nhiều ý kiến, câu hỏi của độc giả cho những chuyên mục hấp dẫn tiếp theo.

 

Phóng viên: Thưa bác sĩ, việc hâm nóng đồ ăn nhanh tại các cửa hàng tiện lợi bằng lò vi sóng để dùng cho các bữa sáng, bữa trưa hiện rất phổ biến. Như vậy liệu có an toàn cho sức khỏe? 

Bác sĩ Trương Nhật Khuê Tường: Trước tiên ta cần quan tâm về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi hâm nóng những thức ăn này. Hâm nóng đồ ăn bằng lò vi sóng như thế nào mới đạt độ an toàn cũng là cả một vấn đề. Những đồ ăn nóng khi ăn cần đạt nhiệt độ trên 65oC. Theo quy chuẩn thì những thực phẩm không đạt nhiệt độ 65oC phải bán được trong vòng 2 tiếng, để sau thời gian này sẽ không còn an toàn nữa. 

Ai cũng nghĩ rằng chỉ cần cho vào lò vi sóng quay thì thức ăn sẽ được diệt khuẩn an toàn. Tuy nhiên, mọi người chưa biết rằng đối với món thịt thì sau khi hâm nóng, lõi tâm của thịt phải đạt nhiệt độ 75oC. Thức ăn được hâm nóng tại các cửa hàng tiện lợi cần đạt điều kiện về nhiệt độ như vậy chứ không chỉ làm nóng bề mặt bên ngoài.

* Dù rất thích ăn mì gói nhưng nhiều người e ngại ăn nhiều sẽ bị mập. Nhiều bà mẹ cứ ngăn cản con ăn mì gói vì sợ trẻ bị béo phì. 

- Phụ huynh nên chuẩn bị cho con một bữa ăn hoàn chỉnh về dinh dưỡng thì trẻ sẽ lâu đói, hạn chế được các bữa ăn phụ, kiểm soát được sự tăng cân. Chẳng hạn, nếu con bạn ăn mỗi mì ăn liền, thành phần chủ yếu ở 1 gói mì ăn liền loại thông dụng (75g) chứa 40 - 50g chất bột đường, 10 - 13g chất béo và không ít hơn 6,9g đạm, cung cấp cho cơ thể 300 - 350Kcal (tương đương 10,7 - 20,1% nhu cầu năng lượng mỗi ngày đối với trẻ học cấp II, cấp III). Hàm lượng chất bột đường trong 1 gói mì ăn liền (loại 75g) ít hơn 32,4% so với 1 bát cơm (100g gạo/bát) và tương đương các món ăn sáng như bún, phở hoặc 100g bánh mì, chỉ mất 45 phút là cơ thể đã chuyển hóa hết rồi. Do đó, trẻ sẽ rất nhanh thấy đói, lại đi tìm kiếm bánh trái để ăn tiếp.

Do đó, cần kết hợp nhiều thực phẩm cho bữa ăn, cân đối dinh dưỡng thì mới có sức khỏe tốt. Ví dụ, khi nấu mì có thể bổ sung thịt bò, tôm, mực, giá, cải xanh… 

* Thưa bác sĩ, người tiêu dùng sẽ lựa chọn tiêu chí thế nào về chất bảo quản, phụ gia trong thực phẩm để tốt nhất cho sức khỏe của mình?

- Trước tiên, mọi người cần có thói quen đọc và hiểu nhãn thực phẩm. Trên nhãn của các thực phẩm sẽ ghi các nội dung về khẩu phần, thành phần (các chất bột, đạm, đường, béo…). Bộ Y tế đã ban hành danh mục các phụ gia thực phẩm, hương liệu được phép sử dụng trong thực phẩm với hàm lượng nhất định. Các thông tin bắt buộc trên nhãn thực phẩm để đảm bảo an toàn thực phẩm đã được quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT của Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Người tiêu dùng nên đọc kỹ các chất phụ gia, hương liệu trên bao bì, nhãn mác của từng sản phẩm trước khi sử dụng.

 

Trước tiên, mọi người cần có thói quen đọc và hiểu nhãn thực phẩm (ảnh minh họa)
Trước tiên, mọi người cần có thói quen đọc và hiểu nhãn thực phẩm (ảnh minh họa)

Về phụ gia thực phẩm, nhà sản xuất cũng đề rõ trên nhãn hàng của mình, chúng ta hoàn toàn có thể lựa chọn. Chẳng hạn, với người bị bệnh huyết áp, tim mạch thì hãy lựa những loại có hàm lượng muối thấp sẽ tốt hơn cho sức khỏe. 

* Xin cảm ơn bác sĩ! 

Ăn muối như thế nàoan toàn với trẻ nhỏ?

Muối là hợp chất mọi người cần trong chế độ ăn uống hằng ngày, nhưng trẻ sơ sinh không nên hấp thụ quá nhiều muối vì thận đang phát triển chưa thể xử lý một lượng muối lớn được thêm vào từ nêm nếm như người lớn. Do đó, chế độ ăn quá nhiều muối có thể làm hỏng chức năng thận của trẻ.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sinh ra đã có sở thích tự nhiên đối với vị ngọt, mặn và vị umami (vị như kiểu ngọt thịt, ngọt bột ngọt). Liên tục được giới thiệu những món đậm đà vô tình làm trẻ mất dần vị giác thích vị tự nhiên của thực phẩm thô (ví dụ, trẻ sẽ không thích ăn trái cây, ăn rau, hay những món chần, hấp, luộc).

Cho bé ăn quá nhiều muối theo thời gian có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe, chẳng hạn như huyết áp cao.

Ăn quá nhiều muối trong thời thơ ấu có thể thúc đẩy sở thích ăn mặn sau này. Và sở thích này sẽ gây tăng huyết áp khi ở tuổi thanh thiếu niên, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Vậy ăn muối thế nào là đủ?

Natri, thành phần chính trong muối ăn, là một chất dinh dưỡng thiết yếu. Mọi người, kể cả trẻ sơ sinh, cần một lượng nhỏ để hoạt động bình thường. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi đáp ứng nhu cầu natri hằng ngày chỉ từ sữa mẹ và sữa công thức. Trẻ từ 7-12 tháng tuổi đáp ứng nhu cầu của mình từ sữa mẹ hoặc sữa công thức và một lượng nhỏ natri có trong thực phẩm tự nhiên. Do đó, không nên thêm muối vào thức ăn của trẻ trong 12 tháng đầu tiên.

Tuy vậy, thỉnh thoảng ăn thêm muối cũng không sao, bạn cũng không cần quá áp lực. Đôi khi bạn có thể cho bé ăn một số loại thực phẩm đóng gói hoặc chế biến sẵn đã có thêm muối hoặc để bé thử thức ăn của bạn.

Sau 1 tuổi, Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) cho rằng khoảng nửa muỗng cà phê (2,8g) muối ăn - là an toàn và đủ cho trẻ từ 1-3 tuổi. Tại Mỹ, khuyến nghị này là 2g muối ăn mỗi ngày.

Thị trường mì gói tăng trưởng mạnh trên toàn cầu và xu hướng sử dụng mì ăn liền

Quốc gia tiêu thụ mì ăn liền nhiều nhất là Trung Quốc, tiếp theo là Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ và Nhật Bản. Ở Trung Quốc, những người trong độ tuổi 30-40 được cho là chiếm hơn một nửa doanh số bán mì ăn liền.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor (Anh), riêng người dân Việt Nam tiêu thụ khoảng 411.500 tấn mì ăn liền vào năm 2021, tăng 9% so với năm 2020 và tăng hơn 20% so với năm 2016.

Bạn có thể xem mì ăn liền là một loại thực phẩm cơ bản và thêm một số nguyên liệu thuộc các nhóm khác vào để tạo nên một bữa ăn phong phú, cân bằng dinh dưỡng hơn. Hãy nghĩ đến các loại rau xanh giàu chất sắt như rau chân vịt hoặc cải xoăn. Rau xanh chứa nhiều chất phytochemical có đặc tính chống ung thư. Cà chua bi hoặc ớt chuông đỏ cung cấp chất chống ô xy hóa mạnh giúp giữ cho trái tim của bạn khỏe mạnh, trong khi các loại rau màu tím như cà tím và bắp cải tím chứa sắc tố thực vật anthocyanin - một hợp chất bảo vệ tế bào khỏi bị hư hại.

Bên cạnh đó, bổ sung nguồn protein tốt như trứng luộc thái lát, hạt vừng, phô mai bào, đậu phụ, đậu hạt và đậu lăng sẽ giúp nâng cao thành phần dinh dưỡng cho món mì ăn liền của bạn.

Linh La(theoGlobe Newswire, China Daily, Healthline)

Theo phụ nữ TPHCM