1.Đặc điểm của cây dây đau xương

Dây đau xương tên khác là thân cân đằng, thư cân đằng, khoan cân đằng, đại lục đằng, đại thanh xà, lục đằng tử, tiếp cốt đằng, nhuyễn cốt đằng... 

Tên khoa học là: Tinospora sinensis Merr. Họ tiết dê (Menispermaceae). 

Là loài cây leo dài khoảng 6-8m, có cành dài rũ xuống, lúc đầu có lông sau thì nhẵn. Lá có lông, nhất là ở mặt dưới, do vậy mặt dưới có màu trắng nhạt; phiến lá hình tim, phía cuống tròn và hõm lại, phía đỉnh hẹp lại thành mũi nhọn, dài 10-12cm, rộng 8-10cm, có 5 gân rõ, tỏa hình chân vịt. Hoa mọc thành chùm ở kẽ lá hoặc đơn độc, hoặc mấy chùm tụ lại, chùm dài chừng 10cm, có lông măng, màu trắng nhạt. Quả hạch, khi chín có màu đỏ, có dịch nhầy, hạch hình bán cầu, mặt phẳng của bán cầu hõm lại.

Để làm thuốc, lá thường dùng tươi, thu hái thân và cành, cắt thành từng đoạn, phơi hoặc sấy khô. 

Trong Đông y, còn một loài cây khác, tên khoa học là Lycopodium clavatum L, có công dụng hỗ trợ điều trị các chứng đau nhức nhưng không phải thân leo như dây đau xương mà là loài cây thân bò, còn gọi là thạch tùng, thông đá, thăng kim thảo, thư cân thảo… chỉ mọc ở các vùng núi cao như Sapa, Tam Đảo... Trong khi dây đau xương mọc hoang ở nhiều nơi cả miền núi và đồng bằng.

photo-1641485004513
 

Cây dây đau xương trị bệnh khớp

2. Công dụng của dây đau xương

Theo Đông y, dây đau xương có vị đắng, tính mát, lợi về kinh can và tỳ, được dùng chữa thấp khớp, tê bại, các khớp xương đau nhức, đau mình mẩy, ngã gây tổn thương ứ huyết đau nhức, bong gân, sai khớp. Còn dùng chữa sốt rét, rắn cắn, làm ngừng nôn và làm thuốc bổ. Ngày dùng 12- 20g.

Theo tài liệu nước ngoài, dây đau xương được dùng giống như dây thần thông (Tinospora cordifolia): Xông chữa trĩ hoặc những tổn thương ngoài da bị loét; để bào chế nước tẩm thuốc điều trị bệnh gan. Rễ dây đau xương luộc chín, ăn trị sốt. Lá và thân cây tươi dùng uống hỗ trợ điều trị thấp khớp mạn tính.

3. Bài thuốc hỗ trợ điều trị từ dây đau xương

3.1 Trị gân xương đau nhức, bán thân bất toại: Dây đau xương, thái nhỏ sao vàng, ngâm rượu với tỷ lệ 20 %. Sau 10 ngày là có thể dùng được. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10-15 ml.

Hoặc dùng bài: Dây đau xương 20g, sắc nước uống. Liệu trình điều trị 10-15 ngày.

Thuốc dùng ngoài: Lá dây đau xương giã nhỏ, trộn với rượu, đắp vào nơi đau nhức.

photo-1641485014046
 

Vị thuốc dây đau xương được đưa vào sử dụng

3.2 Chữa sai khớp, bong gân: Lá dây đau xương, quế, hồi hương, đinh hương, vỏ sồi, vỏ núc nác, gừng tươi, là canh châu, mu xương rồng bà (Opuntia dillenil), lá thầu dầu tía, lá náng, lá kim cang, lá mua, huyết giác, củ nghệ, hạt trấp, hạt máu chó, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây khế. Các vị trên giã nhỏ, sao nóng và chườm.

3.3 Giảm sưng đau do chấn thương: Trong dùng dây đau xương 10-15g khô sắc nước uống; ngoài dùng dây đau xương tươi giã nhỏ trộn với rượu đắp vào nơi tổn thương sưng đau, dùng gạc băng cố định lại.

3.4 Trị đau lưng, mỏi gối do thận hư yếu: Dây đau xương 12g, cẩu tích 20g, rễ gối hạc 12g, củ mài 20g, rễ cỏ xước 12g, cốt toái bổ 16g, thỏ ty tử 12g, tỳ giải 16g, đỗ trọng 16g. Sắc uống.

Theo suckhoedoisong.vn