1. Đặc điểm của bệnh cảm lạnh
Người bình thường khi bị cảm lạnh, sẽ xuất hiện chứng bệnh "biểu thực", với những chứng trạng chủ yếu, như phát sốt, sợ gió và không có mồ hôi... do các lỗ chân lông trên da co chặt lại, da sần lên, nổi gai như da gà… Chỉ cần dùng phép 'phát hãn' (làm ra mồ hôi) như uống nước sắc gừng, tía tô, kinh giới... rồi đắp chăn cho ra mồ hôi và nằm nghỉ.
Tuy nhiên, với những người dễ vã mồ hôi, mồ hôi tự tiết ra quá nhiều là tình trạng suy nhược. Đông y cho là người có thể tạng 'vệ biểu bất cố', khi bị cảm lạnh, lại có biểu hiện phát sốt, sợ gió và vẫn ra mồ hôi.
Đặc điểm của cảm lạnh ra nhiều mồ hôi là sốt nhẹ, chỉ hơn 38 - 38,5 độ C, liên quan đến tình trạng mồ hôi tiết xuất, khiến nhiệt độ trong cơ thể có điều kiện phát tán ra ngoài. Mồ hôi chảy nhiều, càng sợ gió. Hễ gió thổi là cảm thấy lạnh. Ngoài ra, còn thường kèm theo các chứng trạng như cổ gáy cứng đau, đau đầu, ngạt mũi, chảy nước mũi, nôn khan, mạch phù hoãn...
2.Bài thuốc 'Quế chi thang'
- Thành phần bài thuốc: Quế chi 9g, bạch thược 9g, sinh khương (gừng tươi) 9g, chích cam thảo (cam thảo nướng) 6g, đại táo 7 trái.
- Cách dùng: Các vị thuốc sắc với 1500ml nước, nấu nhỏ lửa, còn 600ml; chia 3 phần uống trong ngày.
- Phương giải bài thuốc:
+ Trong bài, quế chi làm 'chủ dược', có tính năng ôn thông kinh mạch, thúc đẩy tuần hoàn máu, để phát tán hàn tà.
Thược dược, vị chua đắng, tính hơi lạnh, có tính năng liễm âm hòa doanh.
Quế chi phối hợp với bạch thược, quế chi phát tán bạch thược thu liễm, một khai một hợp, có khả năng phát hãn mà không thương âm, liễm âm mà không lưu tà, cấu thành một phối ngũ có công năng điều hòa doanh vệ. Dùng thêm sinh khương (gừng tươi) vị cay tính ấm, vừa có thể trợ giúp quế chi phát tán phong hàn tà ở biểu, lại có thể làm ấm dạ dày và chống nôn.
Vị thuốc cam thảo
+ Cam thảo là vị thuốc có nhiều tính năng, một mặt có tác dụng an trung ích khí, điều hòa các vị thuốc mặt khác lại có thể trợ giúp tác dụng ôn dương của quế chi, trợ giúp tác dụng hòa âm, hoãn cấp chỉ thống cho thược dược.
+ Đại táo (táo tàu) có tính năng ích tỳ vị, hòa doanh huyết, phối hợp với thược dược có tác dụng tăng cường chức năng liễm âm hoãn cấp.
Các vị thuốc hợp lại, thành một phương thuốc có tác dụng điều hòa khí huyết doanh vệ của cơ thể. Một khí doanh vệ đã điều hòa, thì ngoại tà sẽ tự rút lui.
Ngoài tác dụng chữa chứng vã mồ hôi trong ngoại cảm phong hàn, bài thuốc 'quế chi thang' có thể sử dụng để chữa trị nhiều chứng bệnh như chứng mồ hôi tự tiết ra (tự hãn) ở những người sau khi ốm nặng sức khỏe chưa phục hồi hoàn toàn; chữa phụ nữ sau khi sinh đẻ (sản hậu), do cơ thể còn suy yếu, khí huyết chưa phục hồi, doanh vệ chưa điều hòa, mà dẫn tới chứng trạng người lúc nóng lúc lạnh, tinh thần uể oải, ăn uống giảm sút...
- Kiêng kỵ:
+ Người nhiệt thịnh uống 'quế chi thang' có thể dẫn tới chảy máu mũi.
+ Nếu cảm lạnh phát sốt mà không có mồ hôi, hoặc cảm phong nhiệt (cảm nóng), hay những người vốn nhiệt thịnh, miệng khát mạch sác, không dùng bài thuốc này.
Theo suckhoedoisong.vn