Hãy chú ý cơ thể khi tập thể dục cường độ cao - SHUTTERSTOCK
Các chuyên gia sức khỏe khuyên, tập thể dục có vai trò vô cùng quan trọng để có một trái tim khỏe mạnh. Tuy nhiên, có một loại bài tập có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, theo Express.
Theo một đánh giá, được công bố trên tạp chí về tuần hoàn máu của Hiệp hội tim mạch Mỹ - Circulation - những người tham gia 150 phút hoạt động cường độ vừa phải mỗi tuần, có nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành thấp hơn 14% so với những người không tập thể dục.
Và mọi người nên tập thể dục thường xuyên để cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ đau tim.
Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy, khối lượng và cường độ gắng sức trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ biến cố tim cấp tính, theo Express.
Các nghiên cứu đã tìm thấy một yếu tố nguy cơ tiềm ẩn gây ra các biến cố tim mạch trong tương lai, và thường xuyên hoạt động quá mức sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Một nghiên cứu được công bố trên Thư viện Quốc gia của Viện Y tế Quốc gia Mỹ, đã phân tích sâu hơn về tác động của việc tập thể dục cường độ cao đối với sức khỏe tim mạch.
Nghiên cứu lưu ý, tập thể dục cường độ cao có thể làm tăng một cách nhanh chóng, mặc dù chỉ thoáng qua - nguy cơ ngừng tim đột ngột hoặc đột tử do tim ở những người có bệnh tim tiềm ẩn.
Một nghiên cứu của Canada, trong quá trình theo dõi 18,5 triệu người tham gia thể thao - trong độ tuổi từ 12 đến 45, kéo dài trong nhiều năm, đã thống kê được 74 trường hợp bị ngừng tim đột ngột.
Trong đó, có 16 trường hợp ở những người chơi các môn thể thao cạnh tranh, với tỷ lệ cứu sống là 44%, và 58 trường hợp là những người chơi các môn thể thao không cạnh tranh, cũng với 44% tỷ lệ được cứu sống.
Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh rằng khối lượng và cường độ tập luyện thể thao trong thời gian dài có thể dẫn đến một số bệnh lý tim mạch do quá sức chịu đựng của tim.
Tập thể dục cường độ cao làm tăng nguy cơ đau tim - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Việc tập luyện thể dục quá độ và thi đấu trong các sự kiện sức bền có thể dẫn đến tổn thương tim và rối loạn nhịp tim. Và những người có yếu tố nguy cơ di truyền đặc biệt càng dễ gặp nguy hiểm, theo Express.
Một nghiên cứu được thực hiện trên những vận động viên chạy marathon, cho thấy ngay cả sau khi kết thúc các sự kiện chạy, mẫu máu của vận động viên vẫn chứa các dấu vết của tổn thương tim.
Hơn nữa, nghiên cứu còn tìm thấy bằng chứng rằng, tập thể dục cường độ cao có thể làm tăng đáng kể nguy cơ ngừng tim đột ngột hoặc đột tử do tim ở những người có bệnh tim tiềm ẩn, theo Express.
Điều này cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim, đặc biệt là đối với một số ít người bị bệnh cơ tim phì đại hoặc bệnh tim mạch vành.
Cách đo cường độ tập luyện của bạn
Để kiểm tra xem bạn có đang tập luyện ở cường độ vừa phải hay không, hãy thử nói chuyện trong khi tập. Nếu bạn vẫn có thể nói nhưng cảm thấy khó thở, bạn đang tập luyện ở mức độ vừa phải.
Nhưng nếu bạn gần như không thể nói ra một vài từ mà không hít thở liên tục trong khi tập, bạn đang tập luyện ở cường độ cao, theo Mayo Clinic.
Hoạt động vừa phải là những hoạt động ở cường độ mà bạn vẫn có thể vừa hoạt động vừa nói chuyện được.
Tập thể dục vừa phải bao gồm các hoạt động như đi bộ, chạy bộ nhẹ nhàng hoặc bơi lội.
Tuy nhiên, nếu bạn có các triệu chứng, tiền sử bệnh tim hoặc các yếu tố nguy cơ của bệnh tim, hãy kiểm tra với bác sĩ trước khi bắt đầu hoặc thay đổi chế độ tập luyện.
Tiến sĩ Jamal Rana - tác giả nghiên cứu - cho biết tập thể dục với cường độ cao theo thời gian có thể gây căng thẳng động mạch, dễ dẫn đến vôi hóa động mạch vành hơn.
Tiến sĩ Rana nói thêm rằng tiếp tục có kế hoạch theo dõi những người tham gia để xem có bao nhiêu người bị đau tim, các vấn đề sức khỏe khác hoặc tử vong sớm.
Theo thanhnien