Zhang, sinh năm 1998 và là nhân viên tại cơ sở kinh doanh tạp hóa cộng đồng của Pinduoduo ở Urumqi, thủ phủ của khu tự trị Tân Cương, Trung Quốc, đột ngột ngã quỵ khi đang đi bộ về nhà vào khoảng 1h30 sáng 29/12/2020. Sau đó không lâu, cô qua đời tại một bệnh viện địa phương.

Một bài đăng trên mạng xã hội nói về cái chết của Zhang đã lan truyền, dẫn đến những chỉ trích gay gắt về cái gọi là văn hóa làm việc "996" của các công ty công nghệ Trung Quốc. Công nhân được yêu cầu làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần.

Nhưng bên dưới sự phẫn nộ của công chúng là một xu hướng đáng lo ngại hơn. Đó là việc các công ty công nghệ đang không ngừng theo đuổi các hoạt động kinh doanh mới ở mọi ngóc ngách của nền kinh tế Trung Quốc.



                                                                                                                   Ứng dụng của Pinduoduo. Ảnh: CFP.


Kinh doanh tạp hóa cộng đồng của Pinduoduo, hay còn gọi là mua hàng theo nhóm, nơi Zhang làm việc, là chiến trường mới nhất giữa những gã khổng lồ Internet Trung Quốc.

Mua theo nhóm cộng đồng là một mô hình kinh doanh cho phép người dân trong một cộng đồng mua hàng tạp hóa với số lượng lớn và mức chiết khấu lớn. Phương thức này được mọi người ưa chuộng trong những năm qua vì các dịch vụ tiện lợi và chi phí thấp hơn.

Tuy nhiên, khi tất cả các công ty Internet, bao gồm Pinduoduo, Alibaba, Tencent và JD.com Inc, đánh hơi thấy tiềm năng to lớn và tham gia, lĩnh vực này đã trở thành một ngành kinh doanh có vấn đề với cuộc chiến giá cả, hoạt động độc quyền, thiệt hại cho các doanh nghiệp nhỏ và thị trường việc làm.

"Mô hình kinh doanh rất đơn giản. Về cơ bản nó kết nối trực tiếp người tiêu dùng với nông dân. Hầu như không có sự đổi mới công nghệ nào liên quan", Liu Dingding, một nhà phân tích ngành công nghiệp Internet có trụ sở tại Bắc Kinh, nói với Global Times.

"Đó là một mô hình tốt nhưng vấn đề nằm ở cách các công ty Internet tiếp cận nó".

Thị trường méo mó


Khi các công ty Internet tranh giành thị phần, họ đưa ra nhiều ưu đãi, dẫn đến việc giao hàng tận nhà với giá gần như bằng 0. Ví dụ như người mua chỉ phải trả 0,1 nhân dân tệ (0,0154 USD) cho một quả trứng đã bao gồm tiền ship.

Cuộc chiến giá cả giữa các công ty Internet còn diễn ra trong nhiều lĩnh vực khác như dịch vụ gọi xe, chia sẻ xe đạp...

Chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh đã thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc. Vào tháng 12/2020, Cục Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường đã triệu tập đại diện của Alibaba, Tecent, Pinduoduo và các công ty khác để thảo luận về việc giám sát hoạt động mua theo nhóm.


                                                                                                 Cạnh tranh không lành mạnh và vấn đề độc quyền trong lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc. Ảnh: CGTN.


Các phương tiện truyền thông chính thức, bao gồm cả People's Daily, đã chỉ trích các công ty Internet kiếm tiền nhanh chóng thông qua mô hình như vậy thay vì đổi mới công nghệ.

Ngoài sự méo mó của thị trường, làm thêm giờ trong mô hình kinh doanh mới cũng là một thực tế phổ biến.

"Khi nhiều người nói về lịch làm việc '996' cho các lập trình viên, họ không biết rằng nhiều công nhân cấp thấp tại các công ty công nghệ cũng có cùng giờ làm việc, nếu không muốn nói là nhiều hơn", một công nhân của đơn vị mua theo nhóm trong một công ty Internet lớn ở Bắc Kinh nói.

Vì hàng hóa thường được giao vào buổi sáng nên nhiều công nhân phải làm việc qua đêm để đảm bảo quá trình diễn ra suôn sẻ, theo lời công nhân giấu tên.

“Chúng tôi không phải là những người lao động có trình độ học vấn cao, kiếm được nhiều tiền. Chúng tôi chỉ là những người lao động có thu nhập thấp”.

Đánh đổi mạng sống vì tiền


Trong khi đó, những người đứng đầu các công ty công nghệ nói rằng sự cạnh tranh khốc liệt trong lĩnh vực Internet là một “cuộc chiến sinh tử”.

Pinduoduo, một ngôi sao đang lên trong lĩnh vực này, đã và đang cố gắng kìm hãm sự phát triển và mở rộng của các nền tảng cạnh tranh.

Daisy Liu, giám đốc điều hành cấp cao của Pinduoduo, nói: “Nhưng để bắt kịp những gã khổng lồ khác, những gì chúng tôi có thể làm bây giờ là đặt nền móng vững chắc, phần lớn vẫn phụ thuộc vào việc cải thiện hiệu quả. Văn hóa làm việc như vậy rất khó thay đổi trong một thời gian ngắn”.

Tuy nhiên, vấn đề cơ bản không chỉ nằm ở sự cạnh tranh khốc liệt mà đó là cuộc đua lợi nhuận, tăng trưởng một cách mù quáng của các công ty công nghệ.


                                                                                                                  Người Trung Quốc kêu gọi thay đổi văn hóa "996". Ảnh: Weibo.


"Các công ty này vẫn quen với mức tăng trưởng không tưởng như trước đây, nhưng điều họ cần làm bây giờ là đưa ra cơ chế đảm bảo quyền cho người lao động”, nhà phân tích Liu Dingding nói.

Trên Weibo, một bài bình luận từ China Media Group kêu gọi chấm dứt "đánh đổi mạng sống vì tiền" đã thu hút 450 triệu lượt xem và hơn 30.000 bình luận.

Trong một cuộc khảo sát với 81.000 người dùng trên nền tảng mạng xã hội chuyên nghiệp Maimai, 89% nói rằng họ phản đối việc làm thêm giờ, cho thấy ý thức theo đuổi quyền lao động ngày càng tăng trong xã hội Trung Quốc.

Một số nhân viên của các công ty công nghệ cho biết mặc dù họ hiểu rằng thỉnh thoảng phải làm việc ngoài giờ, nhưng họ muốn bỏ văn hóa “996” mệt mỏi và kêu gọi các cơ quan quản lý quy định chặt chẽ hơn và thực thi luật lao động.

"Tôi cảm thấy áp lực vì công việc. Lòng tôi không thể thoải mái và thỉnh thoảng tay chân run rẩy... Điều ước lớn nhất của tôi là được nghỉ hai ngày mỗi tuần", một lập trình viên 30 tuổi tên Chen làm việc tại ByteDance ở Bắc Kinh nói.

Theo Zing