Đại diện Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thông tin về chệnh lệch mức sinh giữa các tỉnh, TP trong nước - LIÊN CHÂU

Cụ thể, có 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao (hơn 2,2 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ), chiếm 42% quy mô dân số. Đây hầu hết là các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế như trung du và miền núi phía bắc, miền Trung - Tây nguyên.

21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (dưới 2 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ), chiếm 39% quy mô dân số, tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển ở Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, mức sinh ở TP.HCM thuộc nhóm thấp nhất cả nước, có thời điểm chỉ 1,39 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mức sinh “lệch chuẩn”, dưới mức sinh thay thế (mức sinh thay thế là 2,1 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ) là xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa; tỷ lệ đô thị hóa tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái đắt đỏ; học vấn, điều kiện sống được cải thiện, lối sống, tâm lý thích hưởng thụ cũng có tác động đến mức sinh.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, cho biết với 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; 33 tỉnh, thành phố thuộc diện mức sinh cao; và 9 tỉnh, thành phố đạt mức sinh thay thế, tới đây Bộ Y tế sẽ có văn bản hướng dẫn chi tiết tới các tỉnh, thành phố về việc thực hiện các quy định công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, nhằm đảm bảo thực hiện điều chỉnh đúng với đặc thù của địa phương.

Đặc biệt, để nâng mức sinh tại những vùng có mức sinh thấp, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang rà soát và sẽ đề xuất bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng tại địa phương liên quan đến mục tiêu giảm sinh; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.

Theo thanhnien