Sợ tác dụng phụ của thuốc nên tự chữa bệnh cho con
Chị P.T.T. (ngụ quận 7, TPHCM) cho biết con gái 8 tháng tuổi của chị rất hay bị viêm hô hấp, sổ mũi, khò khè. Thấy con tháng nào cũng đau ốm, đi bác sĩ vài lần, chị vô cùng xót xa. Mỗi lần bị đè ra để cho uống thuốc, bé lại khóc ngất. Đó còn chưa kể có những đợt bé phải uống kháng sinh tới mức không lớn nổi.
Tương tự, chị T.N.A. (ngụ quận Bình Tân, TPHCM) chia sẻ rằng mình cũng học được từ mạng xã hội cách chữa nghẹt mũi bằng việc xoa tinh dầu và massage cho con. Ban đầu, chị thấy cách này khá hợp lý và mang lại nhiều lợi ích. Theo video hướng dẫn thì loại tinh dầu thảo dược trên được làm từ cỏ cây, nguồn gốc thiên nhiên nên lành tính, hợp với thể trạng non nớt của trẻ em.
Ngoài ra, việc tự chữa trị ở nhà theo cách này vô cùng đơn giản, phụ huynh nào cũng có thể thực hiện, tiết kiệm chi phí và thời gian. Vừa qua, con trai 4 tuổi của chị A. là bé P.V.H. bị ho, chảy nước mũi. Đang nghỉ tết, không tiện đi khám, sẵn có bí kíp tự chữa khò khè, nghẹt mũi học trên mạng, chị A. liền áp dụng cho con. Mỗi sáng khi vừa thức dậy và tối trước khi đi ngủ, chị đều lấy tinh dầu ra xoa rồi massage cho con.
Theo chị, xoa tinh dầu có tác dụng làm cơ thể ấm lên, hít tinh dầu còn diệt khuẩn đường hô hấp. Thế nhưng, sau 3 ngày kiên trì điều trị ở nhà, các triệu chứng ho, sổ mũi của bé H. chẳng những không thuyên giảm mà còn nặng thêm. Bé ho có đàm màu xanh. Lúc này, vợ chồng chị A. lại cho rằng do trị liệu bằng thảo dược nên tác dụng chậm, cần kiên trì mới thấy được hiệu quả.
Qua tới ngày thứ năm, bé H. sốt cao 39 độ C, dù chườm mát, uống thuốc hạ sốt vẫn không cải thiện. Chị A. vội vàng đưa con đến bệnh viện khám. Bác sĩ cho biết bệnh nhi bị viêm họng, họng có mủ, viêm hô hấp trên có dấu hiệu bội nhiễm. Trường hợp này bắt buộc phải dùng kháng sinh, nếu không sẽ trở nặng, biến chứng viêm phổi, không can thiệp kịp thời thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Dùng tinh dầu sai cách gây hậu quả khôn lường
Bác sĩ Trịnh Đoàn Nhã Khanh - thành viên Hội Nhi khoa Việt Nam, Hội Dị ứng miễn dịch nhi khoa TPHCM - cho biết, có rất nhiều nguyên nhân gây ho, sổ mũi, nghẹt mũi ở trẻ. Việc massage, sử dụng tinh dầu chỉ là hỗ trợ chứ không thể thay thế thuốc men điều trị bệnh. Khi thấy trẻ có các biểu hiệu sức khỏe bất thường, phụ huynh cần đưa bé đi khám chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có phác đồ điều trị phù hợp.
|
|
Khi trẻ sốt, ho đàm, chảy dịch mũi màu xanh - dấu hiệu bội nhiễm, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám để được chỉ định điều trị phù hợp, kịp thời |
Không phải trường hợp nào bác sĩ cũng kê toa kháng sinh. Nếu tình trạng bệnh nhi nhẹ thì có thể không dùng thuốc mà bác sĩ sẽ hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc, nâng đỡ thể trạng trẻ. Tuy nhiên, nếu bé đã có biểu hiện bội nhiễm, nhiễm trùng như sốt, đờm, dịch mũi màu xanh thì bắt buộc phải dùng kháng sinh mới có thể xử trí bệnh triệt để, tránh biến chứng nguy hiểm.
Trên thực tế, một số phụ huynh không tuân thủ chỉ định của bác sĩ khi sử dụng kháng sinh cho con. Chẳng hạn như sử dụng kháng sinh dài ngày hoặc tái sử dụng toa cũ mà chưa đi khám lại. Cũng có người sợ con uống kháng sinh sẽ chậm lớn nên khi bé uống được 1-2 ngày, thấy triệu chứng bệnh đã được cải thiện liền không cho uống nữa gây ra tình trạng viêm hô hấp kéo dài, thậm chí lờn thuốc.
Theo bác sĩ Nhã Khanh, trẻ bị nghẹt mũi có thể sử dụng tinh dầu, tuy nhiên cần thông qua máy khuếch tán tinh dầu lớn đặt trong phòng. Làm như vậy vừa giúp duy trì độ ẩm, vừa cung cấp một lượng tinh dầu khuếch tán vừa phải trong không khí. Cha mẹ tuyệt đối không dùng máy phun khí dung hoặc cho trẻ hít trực tiếp tinh dầu từ máy phun bởi việc này sẽ vô tình đẩy vi khuẩn từ đường mũi họng vào sâu trong đường hô hấp gây nguy cơ viêm hô hấp nặng hơn.
Khi sử dụng máy phun sương hoặc hơi nước để duy trì độ ẩm trong phòng, có thể thêm vài giọt tinh dầu để trẻ cảm thấy dễ chịu. Cha mẹ cũng có thể bôi dầu khuynh diệp vào lòng bàn tay bàn chân cho bé nhưng không nên bôi quá nhiều, tránh làm trẻ bị phỏng da.
Trong trường hợp gia đình không có máy phun sương, cha mẹ có thể sử dụng tô hoặc nồi để đựng nước ấm và nhỏ vào vài giọt tinh dầu. Đặt tô/nồi nước ấm chứa tinh dầu này trong phòng chứ không đưa lên mặt cho trẻ hít vào trực tiếp. Cách này giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn nhờ độ ẩm và tác dụng vừa phải của tinh dầu lên các thụ thể ở niêm mạc đường hô hấp. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý vị trí đặt tô/nồi nước tinh dầu sao cho an toàn, tránh đổ vỡ làm phỏng trẻ.
Dù phụ huynh có thể sử dụng tinh dầu dạng khuếch tán trong không khí và duy trì trong ngày nhưng cách làm này sẽ giảm dần tác dụng hỗ trợ đường hô hấp. Đó là vì những thụ thể tại mũi họng đã lờn với các hoạt chất trong tinh dầu. Đặc biệt, cha mẹ cần lưu ý nguồn gốc của tinh dầu. Trên thị trường, đặc biệt là mạng xã hội đang rao bán rất nhiều sản phẩm tinh dầu dạng nhà làm, gia truyền, xách tay không rõ thành phần, nguồn gốc. Việc sử dụng các sản phẩm này ẩn chứa nhiều rủi ro đối với sức khỏe. Phụ huynh nên chọn các sản phẩm có thương hiệu, uy tín, minh bạch, có sự bảo chứng về tính an toàn bởi cơ quan chức năng.
Xử trí khi trẻ bị nghẹt mũi
Bên cạnh việc sử dụng tinh dầu đúng cách, bác sĩ Nhã Khanh chia sẻ thêm một vài cách chăm sóc trẻ khi có triệu chứng sổ mũi, nghẹt mũi. Trước hết, phụ huynh cần ưu tiên làm sạch, giúp thông thoáng đường mũi bằng nước muối sinh lý. Có thể dùng nước muối sinh lý rửa mũi, sau đó hút dịch nước mũi. Tiếp đó, trẻ cần được uống nước đầy đủ. Lúc sổ mũi, nghẹt mũi, bé sẽ thở bằng miệng. Cơ thể mệt mỏi khiến trẻ ăn ít, quấy khóc nhiều. Không chỉ vậy, đờm nhớt trong cổ họng trẻ còn đặc lại, gây bít tắc. Do đó, cung cấp đủ nước là điều cần thiết đối với trẻ lúc này.
Khi trẻ đang bị sổ mũi, nghẹt mũi, ho, cha mẹ hãy giúp trẻ vệ sinh cơ thể và môi trường sống sạch sẽ, tránh để con tiếp xúc khói bụi thuốc lá và với trẻ đang bị bệnh hô hấp. Hạn chế đưa con đến khu vui chơi đông người trong những ngày trẻ bị sổ mũi, nghẹt mũi bởi khi đó, đường hô hấp của trẻ là nơi lý tưởng để vi khuẩn phát triển, gây bội nhiễm, từ đó khiến bệnh diễn tiến nặng hơn.
|
Theo phụ nữ TPHCM