1. Thế nào là thể chất hư hàn

Trong cơ thể con người, dương làm chủ phía ngoài, điều khiển cơ bắp. Âm làm chủ bên trong, chạy khắp lục phủ, ẩn chứa ngũ tạng, trợ giúp cơ thể hấp thị chất dinh dưỡng, bài tiết chất thải.

Âm dương cân bằng thì cơ thể khỏe mạnh. Âm dương mất cân bằng gây ra bệnh tật:

- Nếu như phần âm trong cơ thể bị hư tổn, không đủ sức để chế ước, cân bằng với dương, thì âm dương sẽ mất cân bằng. Dương thịnh lấn át âm, dẫn tới những biểu hiện bệnh lý có tính nhiệt, gọi là hư nhiệt.

- Ngược lại, khi phần dương của cơ thể bị hư tổn không đủ sức để chế ước, cân bằng với âm, âm dương cũng sẽ mất cân bằng. Âm thịnh, dương suy dẫn tới trạng thái bệnh lý với những triệu chứng có tính hàn, gọi là hư hàn.

Những biểu hiện thường gặp nhất là tinh thần uể oải, người mệt mỏi, người và chân tay lạnh, sắc diện nhợt nhạt, vã mồ hôi, tiểu tiện trong dài, đại tiện lỏng nhão, đau bụng, tiêu chảy; chất lưỡi bệu, rêu lưỡi trắng nhớt...

photo-1700551539206
Cháo hạt dẻ tăng cường nhiệt lượng và nâng cao sức chống lạnh cho cơ thể.

2. Nguyên nhân dẫn đến chứng hư hàn

Hư hàn là trạng thái bệnh lý dương khí bị thiếu hụt (dương hư), nên các chức năng của dương khí như xúc tiến các quá trình chuyển hóa, sưởi ấm, hóa sinh, phòng vệ (trừ hàn)... đều bị giảm sút ở mức độ nhất định.

Nguyên nhân thường là do âm tà xâm phạm, lâu ngày làm cho phần dương của cơ thể bị tổn thương; hoặc bệnh lâu ngày không khỏi, khiến cho dương khí bị hao tổn; hoặc do tiên thiên bất túc - bẩm sinh nguyên dương vốn yếu ớt; hoặc do tuổi cao, dương khí suy yếu gây nên.

Để chữa trị, Đông y thường sử dụng những món ăn, vị thuốc có tác dụng bồi bổ dương khí, kiện tỳ ích vị, làm ấm cơ thể, kiện tỳ ích vị, tăng cường nhiệt lượng, nâng cao sức chống lạnh cho cơ thể phòng ngừa bệnh tật.

3. Món ăn bài thuốc chữa chứng hư hàn, chịu rét kém

- Cháo hạt dẻ: Hạt dẻ (đã bóc vỏ)100g, gạo tẻ 150g, hai thứ đem hầm nhừ thành cháo, chế đủ gia vị, ăn nóng.

Công dụng: Ôn bổ thận dương, kiện tỳ ích vị, tăng cường nhiệt lượng và nâng cao sức chống lạnh cho cơ thể.

- Cháo hạt hẹ: Hạt hẹ (sao vàng, tán thành bột mịn) 30g, gạo tẻ 60g; cho gạo vào nồi, thêm nước, nấu đến khi cháo chín, cho bột hạt hẹ vào khuấy đều, đun cho sôi lại là được; chia thành nhiều lần ăn trong ngày.

Công dụng: Ôn bổ thận dương, đặc biệt thích hợp với những người thể chất hư hàn, dương khí hư suy, đau mỏi lưng gối.

- Cháo thịt dê: Thịt dê 250g rửa sạch, thái miếng nhỏ đem luộc với một củ cải cho hết vị gây, sau đó bỏ hết củ cải ra rồi cho 150g gạo vào hầm nhừ thành cháo, chế đủ gia vị, ăn nóng.

Công dụng: Làm ấm tỳ vị, bổ ích khí huyết, đặc biệt phù hợp với người cao tuổi thể chất hư hàn, chịu rét kém.

photo-1700551540094
Cháo bổ hải sâm bổ thận ích khí, ấm lưng trừ hàn.

- Cháo tôm: Tôm (đã bóc vỏ)100g, gạo tẻ 150g, hai thứ đem nấu thành cháo, cho thêm gia vị, ăn nóng.

Công dụng: Bổ thận tráng dương, làm ấm cơ thể, thích hợp với người có thể chất hư hàn, sợ lạnh, đau lưng mỏi gối, suy giảm khả năng tình dục.

- Cháo cá: Thịt cá 150g đã lọc hết xương, thái miếng, ướp với gia vị và một chút gừng thái chỉ, cho vào nồi cháo gạo đã ninh nhừ, đun thêm vài phút, múc ra ăn nóng.

Công dụng: Kiện tỳ ích vị vị, thông kinh hoạt lạc, chống lạnh, thích hợp với người tỳ vị hư hàn, mệt mỏi, sợ lạnh, đầy bụng chậm tiêu, đại tiện lỏng.

- Cháo hải sâm: Hải sâm 2 con đã ngâm nước cắt thành lát, đại táo 10g, gạo tẻ 150g. cho vào nồi, thêm nước, nấu thành cháo, chế đủ gia vị, ăn nóng.

Công dụng: Kiện tỳ dưỡng vị, bổ thận ích khí, ấm lưng trừ hàn.

Theo suckhoedoisong.vn